Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby. (Nguồn: AP) |
Theo ông Kirby, Nga từ chối cung cấp dữ liệu trước do đã tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) nên Mỹ được phép giữ lại bản cập nhật dữ liệu 2 năm một lần của mình.
Người phát ngôn trên cũng nêu rõ: “Theo luật pháp quốc tế, Mỹ có quyền đáp trả những vi phạm của Nga đối với Hiệp ước New START bằng các biện pháp đối phó tương xứng và có thể đảo ngược nhằm hối thúc Moscow quay trở lại tuân thủ các nghĩa vụ của mình".
Tuy nhiên, ông Kirby cũng khẳng định, Washington sẵn sàng chia sẻ một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân với Moscow nếu Nga quay lại tuân thủ hiệp ước vũ khí hạt nhân New START.
Bên cạnh đó, quan chức Mỹ cho hay, nước này chưa thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về việc Moscow tiến gần hơn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong xung đột với Ukraine.
Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tuần trước liên quan việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, ông Kirby khẳng định: "Chúng tôi đang theo dõi điều này một cách tích cực nhất. Chúng tôi chưa thấy ông Putin có bất kỳ động thái nào để thực hiện những gì ông ta cam kết sẽ làm".
New START có hiệu lực vào năm 2011, giới hạn Nga và Mỹ chỉ được sở hữu không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và yêu cầu một loạt bước xác nhận, bao gồm cả việc thanh sát hiện trường.
Theo thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga này, hai bên có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí 6 tháng/lần.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao, tại thông điệp liên bang thường niên hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo việc Moscow đình chỉ tham gia New START.