Phóng viên Evan Gershkovich của WSJ đứng sau bức tường kính của khu vực dành cho các bị cáo tại phòng xử án trước phiên điều trần xem xét đơn kháng cáo việc giam giữ ông ở Moscow, Nga ngày 18/4. (Nguồn: Reuters) |
Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức hàng đầu của cơ quan tình báo IRGC.
Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Brian Nelson nêu rõ: "Hành động hôm nay nhắm vào các quan chức cấp cao và các cơ quan an ninh ở Iran và Nga chịu trách nhiệm về việc bắt giữ con tin hoặc giam giữ sai trái công dân Mỹ ở nước ngoài".
Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết, trước đây, cả 2 cơ quan này đều đã bị Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhấn mạnh quan điểm của Mỹ về điều mà ông mô tả là hiện tượng ngày càng nhiều chính phủ giam giữ công dân nước ngoài để trục lợi về chính trị.
Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích "thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với nước tiến hành bắt giữ và bằng cách đó, ngăn chặn các vụ việc tiếp theo phát sinh ngay từ đầu".
Chính quyền Mỹ hiện đang tìm cách giải cứu phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal (WSJ) bị Nga bắt với cáo buộc làm gián điệp, cùng với cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan, bị bắt ở Nga vào năm 2018 và bị kết án tù cũng với cáo buộc làm gián điệp.
Trong khi đó, có ít nhất 3 công dân Mỹ đang bị giam giữ trong các nhà tù của Iran, trong đó có doanh nhân Siamak Namazi, bị giam giữ tại nhà tù Evin ở thủ đô Tehran từ năm 2015.
Liên quan vụ phóng viên Gershkovich, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, nước này đã từ chối yêu cầu từ Đại sứ quán Mỹ về việc thăm nom nhằm đáp trả việc Washington không cấp thị thực cho "các đại diện từ nhóm nhà báo" tháp tùng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến New York ngày 25-26/4.