Nhỏ Bình thường Lớn

Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu đối thoại quốc phòng

Ngày 23/9, Đối thoại quốc phòng tích hợp Hàn - Mỹ (KIDD) lần thứ 8 đã diễn ra tại Seoul. Theo Đài KBS, trong hai ngày 23 -24/9, đại diện hai nước sẽ thảo luận về biện pháp đối phó với khả năng Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên 10/10.
Hai Trưởng đoàn đàm phán tại KIDD 8, ngày 23/9. (Nguồn: Yonhap)

Các nhà đàm phán cũng sẽ bàn thảo về kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung cơ bản hai bên đã nhất trí về việc Washington chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Seoul, một nghị sự chủ chốt của Hội nghị tư vấn an ninh Hàn - Mỹ (SCM) lần thứ 47 sẽ diễn ra vào tháng Mười Một tới.

Hồi tháng Tư năm nay, tại Đối thoại quốc phòng tích hợp Hàn – Mỹ lần thứ 7, diễn ra ở Washington, hai nước đã nhất trí nâng tầm khái niệm chiến lược 4D lên thành kế hoạch tác chiến. Chiến lược 4D bao gồm Phòng thủ (Defence), Phát hiện (Detect), Phá hủy (Destruct) và Tiêu diệt (Destroy) các tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Khái niệm trên được Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc Curtis Scaparrotti lần đầu tiên nhắc đến trong một bài phát biểu tại quân chủng lục quân Hàn Quốc tháng 11/2013. Đây là chiến lược phòng thủ sử dụng vệ tinh quân sự và các máy bay trinh sát tầm cao không người lái để chống lại tên lửa của miền Bắc Triều Tiên khi xảy ra chiến sự trên bán đảo, nhằm giảm thiểu thương vong do tên lửa gây ra.

Liên quan đến hợp tác quân sự giữa hai đồng minh, hôm 21/9, phát biểu trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, Tham mưu trưởng Không quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết: Cần khoảng 3.000 tỷ Won (tương đương 2,52 tỷ USD) để lắp đặt tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung - cao (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Ông Jeong cho rằng, phải có hệ thống tình báo, giám sát và do thám (ISR) tổng hợp giữa hai nước thì THAAD mới có thể hoạt động hiệu quả được.

Việc lắp đặt THAAD mà Mỹ đang xem xét bố trí ở căn cứ quân đội nước này đóng tại Hàn Quốc có cả ưu điểm và nhược điểm với nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ Hàn Quốc nên Seoul đang xem xét vấn đề này một cách thận trọng.

Nguyên Bảo (theo KBS)