Thủ tướng Scott Morrison sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong các cuộc đàm phán với Mỹ. (Nguồn: AP) |
Sự ủng hộ này thể hiện trong tuyên bố được đưa ra tại Đối thoại an ninh ba bên (TSD) giữa ba nước đồng minh thân thiết Nhật Bản, Mỹ và Australia diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 1/8, một cơ chế phối hợp chính sách cấp cao nhất giữa ba nước.
Tuyên bố TSD nhấn mạnh ba cam kết chính:
Một là, Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ đẩy mạnh các nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng ở Nam Thái Bình Dương và phối hợp chặt chẽ với nhau trong các hoạt động này.
Hai là, ba nước đã mạnh mẽ phản đối, lên án hành vi hung hăng và bất hợp pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông, đặc biệt lên án việc Trung Quốc triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến tại đây. Những ai cảm thấy yên tâm với các tuyên bố trấn an định kỳ của Bắc Kinh cần nhớ lại lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng nước này không bao giờ quân sự hóa Biển Đông. Quân sự hóa chính xác ra là những gì Bắc Kinh đã làm sau đó.
Ba là, TSD nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan ngại về an ninh quốc gia trong việc triển khai các mạng lưới viễn thông thế hệ tiếp theo. Đây có vẻ là tin xấu đối với hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc và là bằng chứng cho thấy Mỹ vẫn quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng thiết bị không phải của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao mới nổi.
Tuy nhiên, theo Nhật báo The Australian ngày 3/8, đối với Australia và đối với Thủ tướng Scott Morrison, những nội dung của bản tuyên bố liên quan đến khu vực Nam Thái Bình Dương là điều được hoan nghênh nhất. Khu vực này nói riêng và cả thế giới nói chung đang bước vào thời kỳ cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa một bên là Mỹ và các đồng minh của Mỹ, với một bên là Trung Quốc và các đồng minh của Trung Quốc, trong đó có Nga. Đồng thời, thế giới cũng cần nỗ lực duy trì hợp tác càng nhiều càng tốt. Cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác là một việc khó và luôn đầy thách thức. Điều này cũng là thách thức đặc biệt đối với Australia khi nước này vừa có sự hợp tác đầy đủ với Trung Quốc thông qua mối quan hệ thương mại khổng lồ, vừa có sự cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh, đặc biệt là ở Nam Thái Bình Dương. Khu vực Nam Thái Bình Dương có tầm quan trọng đặc biệt về an ninh quốc gia đối với Australia và Thủ tướng Morrison, người dành sự ưu tiên cao cho khu vực này. Trong khu vực này, Australia là đối thủ cạnh tranh chiến lược trực tiếp chính với Bắc Kinh.
Các cơ quan tình báo Australia tin rằng Bắc Kinh có một tham vọng dài hạn, đó là có được hoặc thành lập được một căn cứ quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Đây là một phần trong chiến lược hướng tới mục tiêu cuối cùng là đẩy Mỹ ra khỏi châu Á. Chắc chắn, một căn cứ quân sự như vậy sẽ là một đòn giáng mạnh vào an ninh quốc gia Australia. Đây là một trong những lý do dẫn tới sự thay đổi bước ngoặt lớn nhất trong chính sách của Australia đối với Nam Thái Bình Dương trong vài thập kỷ qua. Rõ ràng, Trung Quốc là một nền kinh tế lớn hơn nhiều so với Australia, nhưng Australia cũng là một nền kinh tế giàu có, có thể tập trung viện trợ và giúp đỡ phát triển cơ sở hạ tầng ở Nam Thái Bình Dương. Tất cả những nỗ lực này đang được thúc đẩy đáng kể nhờ sự hỗ trợ và hợp tác của những đồng minh lớn của Australia là Mỹ và Nhật Bản. Hai quốc gia này hiểu và chia sẻ những mối quan tâm chiến lược của Australia ở Thái Bình Dương, nhưng cũng có rất nhiều điều khác phải lo lắng và nhiệm vụ của Canberra là thu hút sự chú ý của họ vào Thái Bình Dương. Tuyên bố của TSD cho thấy Canberra đã thành công trong nỗ lực trên.
Theo tờ The Australian, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là một vị khách rất được chào đón ở Australia. Ông Pompeo nổi lên là “người có tiếng nói chiến lược lớn” trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump, chỉ đứng sau ông Trump. Ông cũng luôn mang một thông điệp về sự tham gia sâu rộng của Mỹ vào châu Á. Việc thuyết phục Mỹ tăng cường can dự vào châu Á cũng chính là mục đích chính trong chính sách của Australia.