Việc thử nghiệm các loại tên lửa chống vệ tinh có nguy cơ tạo ra những mảnh vỡ nguy hiểm trong vũ trụ. (Nguồn: Shutterstock) |
Phó Tổng thống Mỹ nói: "Tôi vui mừng thông báo rằng, kể từ hôm nay (ngày 19/4), Mỹ cam kết không tiến hành thử tên lửa hủy diệt vệ tinh bay thẳng".
Ngay trong ngày, Nhà Trắng cũng ra tuyên bố nêu rõ, Mỹ cam kết dừng thử nghiệm các loại tên lửa chống vệ tinh có nguy cơ tạo ra những mảnh vỡ nguy hiểm trong vũ trụ.
Mỹ là nước đi đầu trong việc đưa ra cam kết như vậy, đồng thời khuyến khích các quốc gia khác hành động tương tự với mục tiêu thiết lập “chuẩn mực quốc tế mới về hành xử trách nhiệm trong không gian vũ trụ”.
Tuyên bố này được đưa ra 5 tháng sau khi Nga tự phá hủy một vệ tinh của mình trong vụ thử tên lửa tạo ra một đám mây mảnh vụn, buộc 7 thành viên phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) phải tạm thời trú ẩn trong những con tàu được dành cho hành trình trở lại Trái đất.
Ngoài Mỹ và Nga, chỉ có một số ít nước khác, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, được cho là sở hữu các loại tên lửa chống vệ tinh công nghệ cao.
Trước động thái của Mỹ, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay, Moscow đánh giá Washington đang có bước đi đúng hướng.
Đề cập đề xuất của Nga về việc tạm hoãn triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung, ông Ryabkov cho hay, nước này muốn biết Washington có sẵn sàng quay lại xem xét theo hướng tích cực và cam kết không triển khai các hệ thống như vậy ở bất kỳ đâu để đáp lại quyết định của Moscow hay không.
Bên cạnh đó, Nga cũng lưu ý, Mỹ đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trong quá khứ.
Quan chức ngoại giao trên cho hay: "Tôi muốn nhắc các bạn về đề xuất của Nga, cùng với Trung Quốc, xây dựng một hiệp ước về việc không trở thành bên đầu tiên đưa vũ khí ra ngoài không gian", đồng thời kêu gọi Washington quay trở lại đàm phán một cách xây dựng về vấn đề này.
Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Uông Văn Bân cho biết, Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ giữ lời hứa liên quan các hoạt động quân sự ngoài không gian.
Quan chức ngoại giao trên nhấn mạnh, chính Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh và Washington đã thử nghiệm số lượng lớn nhất.
Khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ việc sử dụng không gian một cách hòa bình, ông Uông lưu ý, hồi năm 2008, Bắc Kinh cùng Moscow đã đệ trình một dự thảo hiệp ước lên Hội nghị Giải trừ quân bị, trong đó nghiêm cấm rõ ràng việc triển khai vũ khí trong không gian.
| Tin thế giới 19/4: Khai trận Donbass, Nga nêu nguồn cơn của chiến dịch; Ukraine tuyên bố Moscow không đủ sức; Nhật Bản lo bị 'gió ngược' Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước vào giai đoạn mới, cập nhật diễn biến xung đột, các lệnh trừng phạt Nga, gia ... |
| Trung Quốc-Solomon ký thỏa thuận an ninh: Những nội dung chính, Australia thất vọng, Mỹ lo Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Solomon Jeremiah Manele đã ký một thỏa thuận khung liên quan hợp tác ... |