Tối 7/1, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia đã ra thông cáo chung về chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đến Myanmar.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng điều hành nhà nước Myanmar (SAC) - Thống tướng Min Aung Hlaing thông báo về việc chính phủ Myanmar tuyên bố lệnh ngừng bắn trong vòng 5 tháng với tất cả các Tổ chức các sắc tộc có vũ trang (EAOs) cho tới hết tháng 2/2022 và quyết định kéo dài thêm cho tới cuối năm 2022.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thống tướng Min Aung Hlaing. (Nguồn: AP) |
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen ngày 7/1 ở thủ đô Nay Pyi Taw, Thống tướng Aung Hlaing cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Myanmar chấp thuận lệnh ngừng bắn vì lợi ích của đất nước và nhân dân, chấm dứt toàn bộ các hành động bạo lực và kiềm chế tối đa.
Về phần mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ủng hộ mạnh mẽ động thái này với quan điểm giảm leo thang bạo lực và thúc đẩy các cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan để đạt được nền hòa bình vĩnh viễn và phát triển đất nước.
Để đi tới mục tiêu trên, Thống tướng Aung Hlaing hoan nghênh Đặc phái viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề Myanmar cùng tham gia thỏa thuận ngừng bắn với các EAOs. Đây là bước đi quan trọng để thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Nhằm tăng cường hiệu quả trong việc chuyển giao hàng hóa hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Myanmar, hai bên ủng hộ kế hoạch triệu tập một cuộc họp giữa các bên liên quan, trong đó có Đặc phái viên ASEAN về vấn đề Myanmar, Tổng thư ký ASEAN, đại diện Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa ASEAN (AHA), Tổ chức Chữ thập đỏ Myanmar (MRCS) và các cơ quan đặc trách của Liên hợp quốc.
Hai bên công nhận tầm quan trọng sống còn của việc thiết lập cơ chế và các cơ sở tương thích cho chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cùng với việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo hiệu quả tới người dân có nhu cầu mà không có sự phân biệt đối xử, với nguyên tắc không có gì quan trọng hơn việc cứu vớt sinh mạng người dân.
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp ngày 7/1 giữa Thống tướng Aung Hlaing và Thủ tướng Hun Sen tại thủ đô Nay Pyi Taw, ông Aung Hlaing cam kết tạo điều kiện để Đặc phái viên của ASEAN về vấn đề Myanmar có thể gặp gỡ tất cả các bên liên quan tại Myanmar, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang.
Theo nội dung tuyên bố này, Thống tướng Aung Hlaing cam kết sẽ hỗ trợ Đặc phái viên của ASEAN hoàn thành nhiệm vụ hiện thực hóa Đồng thuận 5 điểm được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN hồi tháng 4/2021.
Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho ông Aung Hlaing, đồng thời nhấn mạnh rằng mục tiêu hòa bình và hòa giải dân tộc sẽ không thể đạt được nếu không có vai trò tham gia và sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan.
Thủ tướng Campuchia - quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022 - là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Myanmar kể từ tháng 2/2021. Chuyến công du của ông nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt tình trạng bất ổn tại Myanmar.
Trước đó, hôm 5/1, Thủ tướng Hun Sen đã công bố một số hoạt động trong chuyến thăm Myanmar, cho biết ông không đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào trước chuyến thăm này, song chương trình nghị sự sẽ không quá khác biệt so với Đồng thuận 5 điểm về cuộc khủng hoảng tại Myanmar mà ASEAN đưa ra hồi tháng 4/2021 ở Jakarta (Indonesia).
Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh, nếu kết quả tốt đẹp, chuyến thăm có thể mang lại nền hòa bình cho đất nước Myanmar và nhân dân nước này sẽ thừa nhận những nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN.
| Ấn Độ hết 'nhùng nhằng' trong vấn đề Myanmar? Trong bài viết trên The Diplomat ngày 29/12, TS. Rajeswari Pillai Rajagopalan* phân tích những lý do khiến Ấn Độ tăng cường can dự vào ... |
| Hội đồng Bảo an thông qua Tuyên bố Báo chí về tình hình Myanmar Trưa ngày 29/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua Tuyên bố Báo chí về những diễn biến gần đây ở ... |