📞

Myanmar: Phía sau một cuộc khủng hoảng

16:00 | 16/09/2017
Thảm họa nhân đạo mà người Rohingya phải đối mặt đang trở thành bài toán khó mà chính quyền Myanmar cần tìm câu trả lời.

Với nguồn gốc là người Ấn Độ và Bangladesh theo đạo Hồi di cư sang Myanmar và sinh sống ở bang Rakhine từ thế kỉ XII, nhưng 1,1 triệu người Rohingya chưa bao giờ được coi là một phần của quốc gia Đông Nam Á. Trong Hiến pháp năm 1982 do chính quyền quân sự Myanmar, người Rohingya thậm chí không nằm trong danh sách được cấp quốc tịch. Khác biệt sâu sắc về quyền lợi và sắc tộc này đã trở thành “củi đun” cho những xung đột âm ỉ trong nhiều thập kỷ qua tại đất nước này.

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu ngày 6/9. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, ngọn lửa này chỉ mới bùng phát trở lại hồi tháng 10/2016, khi lực lượng Quân đội Cứu thế Rohingya (ARSA) thực hiện các vụ tấn công vào khu vực đồn trú của Quân đội Myanmar dọc biên giới với Bangladesh, làm 9 người bị thiệt mạng.

Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây chỉ thực sự thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi có báo cáo cho thấy xung đột giữa hai bên đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người và buộc nửa triệu người phải di dời, phần nhiều trong số đó tràn qua Bangladesh. Mới đây nhất, ngày 5/9, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết gần 124.000 người tị nạn, phần lớn là người Hồi giáo Rohingya, đã chạy sang quốc gia láng giềng kể từ khi bạo lực bùng phát mạnh mẽ vào hôm 25/8.

Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế như LHQ cùng Chính phủ các quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn, đặc biệt là Pakistan và Bangladesh, đã bày tỏ quan ngại về tình trạng căng thẳng hiện nay. Ngày 5/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Myanmar và gặp gỡ Cố vấn Nhà nước kiêm Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi, bày tỏ mong muốn được giúp đỡ Naypyidaw giải quyết cuộc khủng hoảng này. Phía Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nhiều nỗ lực tương tự, nhằm sớm chấm dứt xung đột hiện nay.

Ngoài ra, Francis Wade, nhà báo và chuyên gia về Myanmar thì cho rằng cuộc khủng hoảng này còn chỉ ra thế khó mà chính quyền dân sự đang phải đối mặt tại Naypyidaw. Nhiều người từng kỳ vọng Cố vấn Nhà nước kiêm Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi, biểu tượng về tự do và hòa bình mới của đất nước Đông Nam Á, sẽ đóng một vai trò tích cực trong hồi sinh Myanmar, cũng như chấm dứt xung đột kéo dài tại quốc gia này.

Tuy nhiên, theo Hiến pháp mới do bà Suu Kyi và chính quyền tiền nhiệm soạn thảo, Quân đội vẫn nắm giữ 25% số ghế trong Quốc hội và nhiều Bộ quan trọng, trong đó có Bộ Quốc phòng. Do đó, ông Wade cho rằng chấm dứt thảm họa nhân đạo của người Rohingya sẽ đòi hỏi bà Suu Kyi phải nỗ lực hết mình để đạt được một thỏa thuận với phe quân đội. Mong rằng, với việc ARSA tuyên bố ngừng bắn đơn phương để hỗ trợ các đoàn cứu trợ nhân đạo ngày 10/9, các bên sẽ sớm ngồi lại cùng nhau để tìm ra giải pháp, chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trên hết, thảm họa nhân đạo ở Rohingya hiện nay là thử thách thực sự đối với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Dù sự lựa chọn của bà có là gì đi nữa, thì con đường hồi sinh tiến tới tự do, hòa hợp và phát triển của Myanmar vẫn còn nhiều khó khăn phía trước.