TIN LIÊN QUAN | |
Myanmar: Điểm khởi đầu của một hành trình mới | |
Vietnam Airlines khai thác nhà ga mới tại sân bay Yangon – Myanmar |
Tuy nhiên, cơn động đất làm rung chuyển thành phố cổ Bagan của Myanmar vào ngày 24/8 vừa qua có lẽ sẽ mang lại một chiều hướng tích cực dù hơn 400 công trình ở đây đã bị thiệt hại.
Bên đống đổ nát
Bên hông ngôi chùa Sulamani, một người đàn ông đang đập một tảng đá bằng một cây búa. Trước thời điểm xảy ra động đất, tảng đá này được đặt trên đỉnh của ngôi chùa Sulamani. Giờ đây, nó đang bị đập ra thành từng mảnh nhỏ. Những mảnh đá được những người công nhân cho vào giỏ để đưa xuống dưới bằng hệ thống giàn giáo bên hông ngôi chùa.
Lực lượng chức năng và các tình nguyện viên đang dọn dẹp đống đổ nát của một ngôi chùa. (Nguồn: Star Tribune) |
Hàng trăm tình nguyện viên hiện đang đứng đợi để đón lấy chiếc giỏ. Giống như ni cô Aye Theingi, đa số những tình nguyện viên đến đây giúp đỡ đều đến từ những nơi xa xôi.
“Sau khi nghe tin về trận động đất, từ Hinthada (cách Bagan khoảng 500km), tôi đã lập tức đến đây. Tôi đến từ một nơi rất xa nơi đây, vì thế tôi sẽ nhận được rất nhiều công đức” – cô nói.
Những tín đồ Phật tử tin rằng, họ sẽ được ban công đức thông qua những việc làm có ý nghĩa như sửa chùa và họ sẽ được thưởng trong kiếp này hoặc kiếp sau. Ở một phía khác là những cảnh sát, nhà sư và những công nhân đến từ những công ty sản xuất khinh khí cầu của Bagan. Những người này có lẽ sẽ được ban phước vì đã có công giúp đỡ sửa chữa những ngôi chùa bị thiệt hại.
Bên ngoài khu chùa, những mảnh vỡ của ngôi tháp ngã đổ được dồn lại thành một đống cao ngất. Rất nhiều trong số đó là những mảnh vụn bằng bê-tông, cốt thép. Cũng giống như nhiều phần khác của Bagan, những mảnh vỡ này không có bất cứ giá trị lịch sử nào.
Những mảnh vỡ cổ đại
Ngôi chùa Sulamani có lẽ đã được xây dựng vào thế kỉ thứ 12, nhưng ngọn tháp xây bằng bê-tông cốt thép đã được bổ sung vào năm 1996.
“Kiến trúc cũ và kiến trúc mới không ăn khớp với nhau. Phần công trình mới đã gây thiệt hại cho phần công trình cũ khi nó bị trận động đất làm cho đổ sụp” - Thein Lwin, Phó Tổng Giám đốc Cục Khảo cổ Myanmar cho biết. Hiện tại, những người cứu trợ đang tập trung tìm kiếm những mảnh vỡ 800 năm tuổi giữa những mảnh vụn bê-tông 10 năm tuổi.
Khi nhìn khắp Bagan, người ta dễ nhận thấy rằng chủ yếu chỉ có những công trình mới là bị thiệt hại nặng. Những di tích xưa cũ và có tầm quan trọng lớn hơn đã trải qua biết bao cuộc động đất và vẫn tiếp tục trụ vững cho đến ngày nay.
Một góc thành cổ Bagan. (Nguồn: BT) |
Là một địa điểm Phật giáo quan trọng với hơn 2.000 ngôi chùa được xây dựng trên một vết nứt gãy thường xuyên có động đất, Bagan thường xuyên bị tàn phá, sau đó được sửa chữa và xây dựng lại. Thành phố Bagan dần dần phát triển qua nhiều thế kỉ nhưng mọi thứ lại trở nên thay đổi nhanh hơn vào những năm 90 của thế kỷ trước. Vào thời điểm đó, Myanmar là một đất nước kém phát triển và chính quyền Myanmar khi đó xem việc xây dựng thành phố Bagan là một dự án gây được thanh thế.
Trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2005, việc xây dựng được tiến hành mạnh mẽ. Những thống kê chính thức cho thấy có tới 689 “ụ gạch” đã được phục chế lại. Sự phục chế ở đây có thể được hiểu là họ đã xây những ngôi chùa mới trên nền móng của những ngôi chùa cổ. Đây thực sự là một cơn ác mộng đối với những nhà khảo cổ.
Chưa dừng lại ở đó, người ta còn cố gắng thu hút du khách và ngoại tệ từ ngành công nghiệp du lịch khi xây dựng những khách sạn, đường xá và sân golf bên cạnh những ngôi đền. Những công trình này tạo nên một phong cảnh cực kì hỗn độn. Những nhà phê bình nhận định, sự phục chế bừa bãi đó còn đã gây nhiều thiệt hại cho thành phố Bagan còn hơn những cơn động đất trong nhiều thế kỉ qua.
Bagan là một thành phố cổ, nay là một khu vực khảo cổ thuộc vùng Mandalay, Myanmar. Đây từng là kinh đô của vương quốc Pagan, tồn tại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, ở miền Trung Myanmar ngày nay. Thành cổ Bagan hiện nay nằm ở vùng đất khô, trung tâm Myanmar, nằm ở bờ phía Đông sông Ayeyarwady, cách Mandalay 145km về phía Tây Nam, thuộc Vùng Mandalay. Các di tích đền, chùa ở Bagan đánh dấu sự khởi đầu của những truyền thống Phật giáo mới ở Myanmar. |
Di sản thế giới?
Do những vấn đề trong khâu xây dựng và quản lí nên Bagan vẫn chưa được xếp hạng là Di sản thế giới theo tiêu chí của tổ chức UNESCO. Nhưng điều này có thể đang dần được trở thành hiện thực.
Người ta không còn xây dựng những ngôi chùa mới, và thời đại của bê tông cốt thép dường như đã qua đi. Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của Myanmar đã nhiều lần tuyên bố rằng, chính quyền sẽ không vội vã xây dựng những ngôi đền chùa sau các trận động đất. Họ đang xây dựng một kế hoạch quản lí với sự góp ý từ những chuyên gia của Liên hợp quốc.
Có thể nói, trận động đất nói trên đã mang lại một sự hợp tác mới mẻ cùng với một động lực cho vấn đề Bagan. Với sự trợ giúp từ tổ chức UNESCO, chính quyền Myanmar khẳng định về kế hoạch đệ trình lên UNESCO hồ sơ Bagan là Di sản văn hóa của nhân loại.
Myanmar: Rực rỡ và huyền bí Nhiếp ảnh gia Andrei Duman (34 tuổi) người Rumani đã khám phá Myanmar bằng các phương tiện như máy bay, thuyền và ô tô. |
Ấn Độ: Động đất 6,7 độ Richter ít nhất 9 người chết Theo Reuters, ngày 4/1, tại Ấn Độ, trận động đất 6,7 độ Richter khiến ít nhất 9 người chết gần 200 người bị thương. |
Một ngày ở Nay Pyi Taw Năm phiên họp, một cuộc tiếp xúc song phương và gala dinner, đó là chương trình làm việc của người đứng đầu Chính phủ Việt ... |