Đại sứ Na Uy Grete Lochen chia sẻ với phóng viên TG&VN bên lề Hội nghị Quốc tế 'Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế' ngày 25/2 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trả lời phỏng vấn TG&VN bên lề Hội nghị Quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế" ngày 25/2 tại Hà Nội, Đại sứ Na Uy Grete Lochen bày tỏ ấn tượng trước sự quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam nhằm phục hồi kinh tế xanh và bao trùm, mang lại lợi ích cho người dân.
Trực tiếp tham gia Hội nghị "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về phục hồi kinh tế xanh sau đại dịch được đưa ra tại Hội nghị?
Đây là một sự kiện rất đúng thời điểm, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phục hồi kinh tế xanh sau đại dịch và không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời thực hiện các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm ngoái. Đây là một hành động rất đáng hoan nghênh và giờ là lúc chúng ta thực hiện các cam kết này.
Chúng ta đều biết, đại dịch đã ảnh hưởng tới tất cả mọi người, trong đó những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật... là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để có những phương án và giải pháp phục hồi, chúng ta phải đảm bảo có sự tham gia của các đối tượng này, có như vậy quá trình phục hồi kinh tế mới bền vững và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Trong quá trình này, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của khối tư nhân. Trong khi chính phủ phải ưu tiên nguồn lực giải quyết các tác động to lớn của đại dịch cả về kinh tế, xã hội và sức khỏe thì khối tư nhân vừa có thể hỗ trợ chính phủ xây dựng các biện pháp phục hồi kinh tế lại vừa trực tiếp tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.
Đây là cơ hội để Việt Nam phục hồi kinh tế xanh và bao trùm, chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát thải thấp. Điều quan trọng là phải có các đạo luật và quy định phù hợp, các chính sách dễ đoán định cùng với một sân chơi công bằng để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đặc biệt, phát triển ngành năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và quản lý nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa then chốt để Việt Nam thực hiện được cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để làm được điều này, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau đóng vai trò quan trọng.
Na Uy là một trong những nước đi đầu về áp dụng công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế. Đại sứ hãy chia sẻ kinh nghiệm phục hồi kinh tế sau đại dịch của Na Uy?
Tiếp cận toàn diện là cách thức mà chúng tôi áp dụng. Đó là toàn chính phủ cùng tham gia với sự phối hợp tích cực của các ngành và xã hội dân sự.
Với Na Uy, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu luôn là điểm khởi đầu để chúng tôi xây dựng các biện pháp/giải pháp khôi phục kinh tế. Na Uy đã tăng cường đáng kể Đóng góp Quốc gia Tự quyết định (NDC) của chúng tôi để trên cơ sở đó xây dựng các hành động khí hậu và kế hoạch phát triển bền vững.
Thứ hai, Na Uy đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng các chính sách phục hồi vừa tạo được nhiều việc làm và vừa phát triển các công nghệ xanh để tạo thuận lợi cho cả nền kinh tế và thực thi các cam kết biến đổi khí hậu.
Quá trình chuyển đổi xanh không hề đơn giản và đôi khi có những đau đớn nhất định, khi mà rất nhiều ý kiến tranh cãi thậm chí bất đồng về việc đâu là cách tiếp cận và chính sách tốt nhất. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều doanh nghiệp Na Uy nhìn thấy những cơ hội kinh doanh tiềm năng trong quá trình chuyển đổi xanh. Đây không chỉ là quyết định đúng đắn mà còn rất thông minh về mặt kinh tế.
Công nghệ và các giải pháp thông minh dựa trên công nghệ được coi là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phục hồi xanh. Na Uy đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng các chính sách phục hồi, vừa tạo được nhiều việc làm và vừa phát triển các công nghệ xanh.
Trong thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch, Chính phủ Na Uy đã bù đắp một phần lớn thiệt hại về thu nhập của các hộ gia đình và doanh nghiệp, thông qua các gói hỗ trợ tự động và bồi thường trực tiếp.
Sau khi khủng hoảng đã qua, Chính phủ Na Uy đã dành một khoản tiền không nhỏ cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các dự án chuyển đổi xanh trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như vận chuyển xanh, năng lượng tái tạo, các quy trình phát thải thấp và kinh tế tuần hoàn.
Một trong những cách tiếp cận hiệu quả của Na Uy là huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, viện nghiên cứu, khu vực tư nhân và xã hội dân sự. Tất cả đều tham gia vào khâu xây dựng chính sách, thực hiện và điều chỉnh (nếu cần thiết). Bằng chứng là tại sự kiện ngày hôm nay, các công ty của Na Uy đã cho thấy họ có thể đóng góp những gì vào quá trình này.
Đại sứ Na Uy giới thiệu với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh những thông điệp mà Na Uy muốn gửi gắm tại gian hàng trưng bày. (Ảnh: NVCC) |
Đồng hành với Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế xanh và bền vững, các dự án mà Na Uy đã và sắp triển khai ở Việt Nam thời gian tới là gì, thưa Đại sứ?
Trong không gian trưng bày tại Hội nghị quốc tế hôm nay, có thể thấy những tấm áp phích tại gian trưng bày của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
"Tôi tin rằng các công ty của chúng tôi đã sẵn sàng mang đến Việt Nam những công nghệ hàng đầu thế giới và chuyên môn xuất sắc của mình... Trong bối cảnh “phục hồi xanh” là mục tiêu mà nhiều nước trên thế giới trong đó có Na Uy và Việt Nam đều cam kết, và Việt Nam đã tuyên bố sẽ đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng tôi đến Việt Nam không chỉ để làm ăn mà còn để hỗ trợ các bạn thực hiện những cam kết này”, ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, cho biết. |
Chính phủ Na Uy đã và đang hỗ trợ tài chính, trong khuôn khổ song phương và trong khu vực ASEAN, cho một số dự án mà UNDP đang thực hiện ở Việt Nam để bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nhựa thông minh, nâng cao năng lực thu gom, phân loại rác của người dân địa phương đồng thời khuyến khích phát huy các ý tưởng sáng tạo vì mục đích này.
Ví dụ điển hình thứ nhất là Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) được phát động tháng 6/2020 tại 6 nước ASEAN nhằm tìm kiếm các giải pháp xử lý rác thải nhựa ở Vịnh Hạ Long (Việt Nam) và Đảo Koh Samui (Thailand). Sau vòng thi thuyết minh, trình bày ý tưởng, 4 ý tưởng của các đội đoạt giải EPPIC 2020 đã nhận được khoản vốn ban đầu là 18.000 USD để áp dụng vào thực tiễn tại vịnh Hạ Long và đảo Koh Samui, cũng như được tham gia chương trình đào tạo tăng tốc trong 9 tháng để kết nối với các doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp chủ chốt khác trong khu vực ASEAN.
Dự án điển hình thứ hai là Dự án Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố (DWP5C) được triển khai tại 5 địa điểm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương. Mục tiêu của dự án là cải thiện, nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen phân loại rác tại nguồn của cộng đồng người dân, doanh nghiệp hoạt động trên biển cùng với chính quyền và các tổ chức xã hội thuộc địa bàn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy (tiến tới không sử dụng túi nilon và đồ nhựa sử dụng một lần); thông qua việc triển khai các chính sách, hoạt động để giảm thiểu rác thải từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển ra môi trường. Giai đoạn 1 của dự án này đã hoàn thành và hiện đang triển khai giai đoạn 2.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong 5 quốc gia châu Á được Quỹ nghiên cứu khoa học và công nghiệp Na Uy (SINTEF) lựa chọn để thực hiện Dự án biến nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn (OPTOCE). Mục đích của OPTOCE là đưa ra các giải pháp mới để quản lý rác thải hiệu quả hơn và thúc đẩy tư duy về nền kinh tế tuần hoàn.
Dự án cũng mong muốn khẳng định tính hiệu quả của quan hệ đối tác công tư trong công tác thu gom rác thải nhựa từ các điểm nóng về ô nhiễm, từ lưu vực các con sông lớn và các bãi biển để sử dụng làm nguồn nhiên liệu cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tại địa phương, như công nghiệp sản xuất xi măng. Đây là giải pháp hai bên cùng có lợi vừa góp phần giảm thiếu phát thải CO2, lại vừa góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất phải đề cập là sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Na Uy tới việc đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam bằng các công nghệ phát triển dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và các giải pháp quản lý rác thải nhựa thông minh.
Đó là lý do chúng tôi giới thiệu tới các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế này 3 công ty hàng đầu của Na Uy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đổi mới là Equinor, Tomra và Scatec. Đây là các công ty tiêu biểu nhất của Na Uy trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tái chế, công nghệ cao trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và điện mặt trời.
Các công ty này là các nhà đầu tư dài hạn đã và đang hoạt động rất thành công ở các thị trường đang nổi. Điều quan trọng là các công ty đều muốn ở lại Việt Nam lâu dài.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Grete Lochen và Tham tán Thương mại Arne-Kjetil Lian tại gian hàng trưng bày của Đại sứ quán Na Uy. (Ảnh: NVCC) |
Bên lề Hội nghị Quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế" đã diễn ra Triển lãm Công nghệ và Sáng kiến Xanh ở Việt Nam. Triển lãm là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu về những công nghệ xanh và sáng kiến đổi mới của mình. Các doanh nghiệp tham gia Triển lãm đến từ các tập đoàn của Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) và các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tại Triển lãm, gian trưng bày của Na Uy giới thiệu ba công ty hàng đầu của Na Uy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đổi mới, đó là Tomra, Equinor và Scatec. |