📞

NAFTA – Giấc mộng dang dở của Mexico

17:14 | 09/10/2015
Hơn 20 năm tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), tự do thương mại đã đem lại những sự lựa chọn hoàn hảo cho người tiêu dùng Mexico. Tuy nhiên, nhiều hứa hẹn khác vẫn chưa thể trở thành hiện thực.
Dòng người phản đối NAFTA tại Mexico City vào ngày 31/1/2008. (Nguồn: EPA)

Thị trường hoàn hảo

Nhìn thủ đô Mexico City ngày nay được điểm xuyết bởi Starbucks, Walmart và các cửa hàng Krispy Kreme…, thật khó để nhớ lại hình ảnh đất nước này trước khi NAFTA có hiệu lực. Tự do thương mại đã đem lại những sự lựa chọn hoàn hảo cho người tiêu dùng Mexico.

Nhà kinh tế học Alfredo Coutino - hiện là giám đốc bộ phận nghiên cứu Mỹ Latinh của Moody's Analytics cho biết: Trước đây, ở Mexico, việc có một đôi giày thể thao nhập khẩu là thể hiện được địa vị xã hội, vì nó rất đắt tiền. Nhưng hiện nay thì đại đa số người Mexico đã có thể sở hữu những thứ từng được coi là các mặt hàng xa xỉ phẩm".

Trong một số lĩnh vực nhất định, Mexico cũng đã tận dụng được một số ưu thế khi tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Mỹ và Canada. Trong đó có thể kể đến thị trường ô tô, điện tử và nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Dòng vốn đầu tư từ các ngân hàng nước ngoài đổ vào nền kinh tế nước này đã kéo theo việc tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Alfredo Coutino, “cái giá” để được lựa chọn nhiều hàng hóa hơn của người tiêu dùng Mexico xem ra không phải là rẻ.

Cái giá phải trả…

"Có tới 30-40% những điều mà họ hứa hẹn trong NAFTA đã không bao giờ xảy ra", ông Rodolfo Hurtado Corona, 65 tuổi, làm tài xế ở Mexico City nói. Vừa trả lời phỏng vấn, ông này vừa chỉ vào chiếc xe thể thao đa dụng bóng loáng của ông chủ mình và cho biết: "Trước đây chỉ có một vài thương hiệu thôi, nhưng giờ thì rất nhiều hãng để lựa chọn".

Cách đây hơn 20 năm, cùng với hai ông lớn Mỹ và Canada, Mexico hào hứng tham gia NAFTA với tràn đầy hy vọng. Phần lớn người dân Mexico đã kỳ vọng, hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bản thân họ và đem lại một cơ hội phát triển cho đất nước. Nhưng cho đến nay, NAFTA dường như vẫn chưa thể thay đổi được một số vấn đề then chốt, vốn lâu nay vẫn tồn tại trong nền kinh tế Mexico như, thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa Mexico và Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phần lớn người Mexico không thấy có sự thay đổi đáng kể nào trong thu nhập của họ. Không phủ nhận, việc tham gia NAFTA, cùng với toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người Mexico, nhưng đáng tiếc, hầu hết các công việc này đều có mức lương khá thấp. Không đúng như một điều khoản trong Hiệp đinh NAFTA, tiếng nói của công đoàn ở Mexico vẫn chưa đủ trọng lượng, trong khi áp lực cạnh tranh từ Châu Á và Trung Mỹ khiến cho mức lương người lao động vẫn rất thấp, khiến làn sóng người Mexico nhập cư trái phép vào Mỹ vẫn không ngừng gia tăng. Vấn đề này cho thấy, cơ hội được cải thiện cuộc sống trên đất nước Mexico vẫn còn khá ít ỏi.

Mức lương của lao động Mexico vẫn nổi tiếng là “bèo bọt”, thậm chí, trong một số lĩnh vực, lương của công nhân Trung Quốc còn cao hơn. Bởi thế, tiến trình thu hẹp khoảng cách mức lương giữa Mexico và Mỹ chưa bao giờ đạt được giới hạn. Năm 1997, lương bình quân công nhân ngành sản xuất tại Mexico bằng 15% của Mỹ, tới năm 2012, con số đó đã tăng nhẹ và ổn định ở mức 18%.

Đúng là từ khi gia nhập NAFTA, tầng lớp trung lưu Mexico đang gia tăng về số lượng, nhưng nước này cũng là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất có tỷ lệ nghèo đói gia tăng trong các năm gần đây. Theo số liệu của Ủy ban kinh tế nhóm các nước Mỹ Latinh, tại hầu hết các quốc gia thuộc khu vực này, tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 48,4% trong năm 1990 xuống còn 27,9% trong năm 2013. Nhưng riêng Mexico, tỷ lệ nghèo đói đã quay trở lại mức 51,3% vào năm 2012.

Trước NAFTA, Mexico là một nền kinh tế khép kín, nhiều nợ nần, bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước và một nền nông nghiệp với phần lớn là các nông trại nhỏ lẻ, năng suất thấp. Đó là lý do khiến nhiều người e ngại về tình trạng thất nghiệp hàng loạt khi Mexico chính thức tham gia NAFTA. Lo ngại đó đã trở thành sự thật, khi nông sản giá rẻ từ Mỹ ồ ạt đổ vào Mexico khiến nhiều nông dân phá sản.

Một vấn đề khác đã được cảnh báo khi Mexico tham gia NAFTA, đó là bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chỉ trong đoạn từ 2004 tới 2011, lượng ắc quy xe hơi phế thải mà Mỹ xuất qua Mexico để tái chế lấy chì đã tăng 500%. Đến nay, các nhà chức trách mới chỉ bắt đầu xem xét việc buộc các công ty xuất khẩu mặt hàng này sang Mexico phải xin giấy chứng nhận.

Dường như NAFTA đã thực hiện rất tốt việc bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp định đã thiết lập các ủy ban chuyên gia đóng vai trò trọng tài giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư, bỏ qua vai trò của tòa án địa phương, trong khi đó, đa phần các khiếu nại có liên quan đến các quy định về tài nguyên thiên nhiên hay môi trường. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ môi trường đã không thể phát huy được sức mạnh trước những thỏa thuận về bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo nhận định của chuyên gia Scott Sinclair thuộc một trung tâm nghiên cứu chính sách ở Canada, “tiến trình giải quyết qua trọng tài không giống như hệ thống tòa án trong nước. Nó không có gì là công bằng và cởi mở". Vì thế, từ khi gia nhập NAFTA, Mexico và Canada đã phải thanh toán khoảng 350 triệu USD tiền bồi thường cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Một bản báo cáo của Quốc hội Mỹ vào năm 2010 cũng đã chỉ ra rằng, "hầu hết các nghiên cứu đã cho thấy, sau khi NAFTA chính thức có hiệu lực, những tác động tích cực lên Mexico là khá khiêm tốn".

Tuy nhiên, theo ông Alfredo Coutino, đúng là người Mexico đã không đạt được những kỳ vọng về lợi ích mà NAFTA mang lại. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Nếu thỏa thuận này không được ký kết thì Mexico sẽ rơi vào thực trạng còn tồi tệ hơn nhiều so với thời điểm hiện nay, sau khi tham gia Hiệp định được hơn 20 năm".

M.C (theo AP)