📞

Năm 2008: Sẽ khó huy động vốn!

20:54 | 31/01/2008
Các chuyên gia trong ngành chứng khoán cho rằng, khác với 2 năm trước, khi TTCK mới ở giai đoạn đầu của sự bùng nổ, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, việc phát hành tăng vốn của doanh nghiệp khá dễ dàng, năm 2008 này sẽ là năm khó khăn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn.

Nguyên nhân là hàng hóa vào thị trường ngày một nhiều và đa dạng, chất lượng tốt đã phần nào làm thỏa mãn lượng cầu của nhà đầu tư. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân, vốn của nhà đầu tư đang ngày một cạn, xu hướng chạy theo phong trào trong mua bán chứng khoán cũng dần được loại bỏ, nhà đầu tư không còn liều lĩnh như trước là đổ hết tiền vào chứng khoán.

Hiện các nhà đầu tư chứng khoán chọn lựa rất kỹ càng để tìm nơi bỏ vốn hiệu quả, thay vì ồ ạt mua vào như trước. Việc này sẽ đem lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư trong mua bán chứng khoán, nhưng nó sẽ làm khó cho doanh nghiệp trong huy động vốn nếu chưa khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Một cán bộ cấp cao của Quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, nếu năm 2007 thuận lợi cho các doanh nghiệp là huy động vốn và khó khăn là làm sao để đầu tư hiệu quả thì năm 2008, tình hình sẽ xoay chuyển ngược lại. Thực tế, trong năm qua, nhất là thời điểm đầu năm và trước đó là cuối của năm 2006, khi một doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, kể cả phát hành trên thị trường OTC thì dù doanh nghiệp đó có quy mô nhỏ, hoạt động chưa mấy hiệu quả cũng thu hút được đông đảo nhà đầu tư quan tâm. Tại thời điểm đó, cổ phiếu luôn được nhà đầu tư săn lùng và sẵn sàng mua với một mức giá tương đối cao.

Trong ngành tài chính, những cái tên không mấy quen thuộc ở thời điểm đó như: KienLong Bank, Navibank, DaiA Bank… cũng được vô số nhà đầu tư săn lùng cổ phiếu. Đặc biệt là giai đoạn hoàng kim (giữa năm 2006 đến hết quý I/2007), cổ phiếu của những nhà băng trên luôn trong tình trạng khan hàng, giá được đẩy lên ở mức khá cao. Không chỉ với ngành ngân hàng, mà hầu hết doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng thuận lợi trong việc huy động vốn trong khoảng thời gian trên. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chưa kịp xây dựng kế hoạch đầu tư, nhưng vốn huy động về khá dồi dào thông qua phát hành cổ phiếu đành phải nhờ ngân hàng giữ hộ khiến vốn khả dụng của nhiều nhà băng ở giai đoạn trên luôn trong tình trạng dư thừa. Có thể nói, chưa bao giờ các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK lại dễ dàng như giai đoạn giữa năm 2006 đến hết quý I/2007.

Thế nhưng, tình trạng trên đã đổi chiều, các cuộc đấu giá ế ẩm và phải liên tục hoãn, vì tình hình thị trường không mấy thuận lợi. Nhà đầu tư không còn mặn mà với các cuộc đấu giá, thay vì chen lấn như trước đây. Đến cả IPO của một ngân hàng lớn như Vietcombank hay doanh nghiệp được xem là hoạt động đầy tiềm năng như Sabeco cũng gặp phải khó

khăn. Giá đấu thành công bình quân cổ phiếu Vietcombank không cao hơn là bao so với giá khởi điểm. Thậm chí, sau đó ngân hàng này còn phải đối mặt với nguy cơ bỏ cọc của nhà đầu tư, vì giá cổ phiếu Vietcombank rao bán trên thị trường OTC thấp hơn giá trúng bình quân. Còn với IPO của Sabeco, chỉ hơn một nửa số lượng cổ phần đem ra đấu giá được nhà đầu tư đăng ký mua. Do đó, giá đấu thành công bình quân cổ phiếu Sabeco trong phiên đấu giá ngày 28/1 chỉ đạt 70.003 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm có 3 đồng/cổ phần; trong khi trước đó, quyền mua cổ phần Sabeco của CBCNV được nhiều nhà đầu tư săn lùng.

Nhiều chuyên gia chứng khoán dự báo, với tình hình thị trường như hiện nay thì không chỉ các doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn trong việc huy động vốn mà các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước lớn diễn ra trong thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện một phần vốn của nhà đầu tư đang được chuyển sang các lĩnh vực khác, trong khi đó nguồn vốn cho TTCK đang cạn dần vì giá cổ phiếu đi xuống, tín dụng cho chứng khoán bị thắt chặt, tiền đồng có dấu hiệu khan hiếm… Tổng giám đốc một CTCK tại TP. HCM cho rằng, các cơ quan quản lý cần sớm có những chính sách phù hợp, trong đó có chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước để khơi thông nguồn vốn cho TTCK, giúp TTCK phát triển.

Nguồn tin ĐLCK