Đại sứ Mỹ Ted Osius (thứ ba từ phải sang) và giáo sư Frederic Brown (thứ hai từ phải sang) tại buổi tọa đàm. |
Tham gia buổi tọa đàm có giáo sư Frederic Brown, Giảng viên Trường Cao học Nghiên cứu quốc tế (SAIS) – Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ); các học giả Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc; các chuyên gia của Học viện Ngoại giao, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng đây là một sự kiện đặc biệt, được tổ chức nhân dịp hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ đang tiến hành những hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, với sự tham gia của giáo sư Frederic Brown - một chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam của Đại học Johns Hopkins.
Ông Đặng Đình Quý cho biết, trong nhiều năm qua, giáo sư Frederic Brown là một học giả có nhiều đóng góp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong suốt những năm 90 của thế kỉ XX, ông Frederic Brown là Trưởng phòng về các vấn đề Việt Nam – Lào – Campuchia tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và là người trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam. Sau khi rời ngành ngoại giao và trở thành giáo sư tại SAIS (Đại học Johns Hopkins), ông Frederic Brown đã có biên soạn nhiều cuốn sách cũng như các bài viết về vấn đề phát triển, chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Đặc biệt, giáo sư Brown là một người thầy thân thiết của nhiều lứa sinh viên Việt Nam học tập tại SAIS (Đại học Johns Hopkins), nhiều người trong số họ hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan chính phủ Việt Nam.
Về phần mình, giáo sư Frederic Brown đã bày tỏ niềm vui mừng và vinh dự khi được tham gia buổi tọa đàm tại Học viện Ngoại giao với tư cách diễn giả chính, được gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia về quan hệ quốc tế cũng như những cựu sinh viên Việt Nam từng học tập ở SAIS (Đại học Johns Hopkins). Giáo sư Frederic Brown chia sẻ, buổi tọa đàm là một cơ hội quý báu để mọi người thảo luận về chặng đường đã qua trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, để từ nền tảng đó đưa quan hệ tiến về phía trước. Giáo sư Frederic Brown lạc quan cho rằng, với vị trí quan trọng tại khu vực cùng sức phát triển mạnh mẽ, Việt Nam luôn là một quốc gia mà Hoa Kỳ luôn chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Bên cạnh đó, trên cương vị là một giáo sư về quan hệ quốc tế, ông Frederic Brown cho biết ưu tiên trong thời gian tới của mình là tiếp tục thúc đẩy quan hệ bạn bè, hữu nghị giữa hai bên Việt Nam – Hoa Kỳ thông con đường giáo dục, nghiên cứu, học thuật.
Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, giáo sư James Riedel, giảng viên kinh tế quốc tế tại SAIS (Đại học Johns Hopkins) nhấn mạnh đến khía cạnh triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Hoa Kỳ. Ông James Riedel nhận định, kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, hợp tác kinh tế giữa hai nước đã có những bước tiến mạnh mẽ về phạm vi cũng như hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay, Việt Nam cũng gặp phải nhiều thách thức. Dẫu vậy, giáo sư James Riedel bày tỏ niềm tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ được thúc đẩy một cách tích cực trong thời gian đến, góp phần mang lại nhiều thành quả cho cả hai bên.
Là khách mời đặc biệt tại tọa đàm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng giáo dục là một trong những cơ sở cho mọi quốc gia phát triển, thành công, thịnh vượng. Chính phủ và nhân dân Mỹ nhận thức được tầm quan trọng trong việc hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục. Ông Ted Osius nhấn mạnh, giáo dục và trao đổi học thuật là một trong số các tâm điểm chính của quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam – Hoa Kỳ.
Thông qua những chương trình hợp tác giáo dục như Học bổng cao học Fulbright, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (SEALI) giúp cho quan hệ giữa hai bên thường xuyên được thắt chặt. Bên cạnh đó, Đại sứ Ted Osius cho biết, hiện có khoảng 17.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng của Hoa Kỳ; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng du học sinh đông thứ 8 tại Hoa Kỳ. Nhiều trường đại học của Mỹ cũng có quan hệ hợp tác với các trường đại học phía Việt Nam. Cuối cùng, ông Ted Osius bày tỏ tin tưởng rằng năm 2015 sẽ là cơ hội đặc biệt để hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ đạt được những mục tiêu trong Hiệp định Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2013, đồng thời kết thúc thành công đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Phần thưởng này nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của giáo sư Frederic Brown trong quá trình hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cùng ngày 9/1, ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã trao kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” cho giáo sư Frederic Brown.
Kim Chung – Quang Chinh