Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 với 35 điểm cầu tại Hải quan các địa phương sáng nay, ngày 11/1. Tới dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. |
Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính. Phía Tổng cục Hải quan có các Phó Tổng cục trưởng, lãnh đạo và cán bộ công chức thuộc các vụ, cục, thuộc Tổng cục Hải quan.
Năm 2017, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) là 285.000 tỷ đồng, tăng 5,04% so với năm 2016 (271.388 tỷ đồng), bình quân mỗi tháng phải thu 23.750 tỷ đồng. Theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phấn đấu đạt 290.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 24.167 tỷ đồng. Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu đạt 295.000 tỷ đồng; bình quân mỗi tháng phải thu 24.583 tỷ đồng, cao hơn dự toán 3,5%.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới và khu vực, việc thực hiện 10 Hiệp định tạo thuận lợi thương mại đa phương và song phương như: Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (VKFTA), ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)... đã ảnh hưởng không nhỏ đền thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Hải quan do nhiều mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao thoe lộ trình phải cắt giảm sâu thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, đồng thời Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai các giải pháp thu Ngân sách nhà nước đã đạt và vượt các chỉ tiêu nêu trên.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn tổng kết các ý kiến và quán triệt nhiệm vụ ngành Hải quan năm 2018. |
Cũng tại Hội nghị, qua báo cáo nêu rõ công tác giám sát quản lý về hải quan cũng được tăng cường và đạt được nhiều kết quả. Theo số liệu sơ bộ, năm 2017 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2016; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 214,01 tỷ USD, tăng 21,2% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2017 thặng dư 2,91 tỷ USD, cao hơn 1,12 tỷ USD so với con số xuất siêu của năm 2016 (gần 1,78 tỷ USD ). Thặng dư thương mại của khối doanh nghiệp FDI đạt 25,81 tỷ USD; trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước lại gia tăng thâm hụt thương mại lên tới 22,91 tỷ USD.
Tính đến 31/12/2017, điều phối thực hiện phân luồng quyết định kiểm tra hải quan đối với 10.92 triệu tờ khai xuất nhập khẩu, trong đó: 6,3 triệu tờ khai luồng xanh; 4,05 triệu tờ khai luồng vàng; 656 nghìn tờ khai luồng đỏ. Có 59.040 tờ khai chuyển luồng, trong đó 58.206 tờ khai chuyển từ vàng sang đỏ, chiếm 1,43% tờ khai luồng vàng; 834 tờ khai chuyển từ đỏ sang vàng, chiếm 0,15% số tờ khai luồng đỏ.
Năm 2017, Tổng cục Hải quan tập trung hoàn thiện quy trình, thủ tục hải quan và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển, hàng không; quản lý hàng gia công, sản xuất, xuất khẩu; triển khai đại lý hải quan và hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan.
Năm 2017 cũng là năm Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao: tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào nghiệp vụ hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu và các biện pháp chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại; hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính... Các lĩnh vực công tác của Tổng cục Hải quan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Từ 1/3/2017, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã được triển khai trên Cổng thông tin điện tử hải quan, nâng số lượng TTHC trong lĩnh vực hải quan được cung cấp DVCTT tối thiểu mức độ 3 lên 126/178 TTHC, tăng 46 TTHC so với năm 2016 và đạt 71% số lượng TTHC. Trong đó có 123 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4. Tính đến 31/12/2017, Hệ thống đã tiếp nhận và xử lý hơn 73 nghìn bộ hồ sơ TTHC với sự tham gia của gần 11,8 nghìn cá nhân, DN.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết ngành Hải quan. |
Năm 2017, đã có hơn 20.000 tờ khai được phân luồng kiểm tra qua máy soi, tương ứng khoảng 45.000 container. Sau khi kiểm tra qua máy soi, có hơn 11.000 container được mở kiểm tra thủ công, phát hiện vi phạm đối với gần 100 container. Đặc biệt, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất áp dụng 7 hệ thống máy soi ngầm đối với hành lý ký gửi của người nhập cảnh, tránh hiện tượng ách tắc, tạo môi trường thông thoáng.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ hải quan góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tăng tính minh bạch, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về Hải quan, hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020.
Tại Hội nghị tổng kết này, các ý kiến tham luận của lãnh đạo một số đơn vị Vụ, Cục thuộc Tổng cục Hải quan và một số Hải quan tỉnh thành phố sẽ tập trung vào đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác giám sát hải quan, thu NSNN và đưa ra một số giải pháp thực hiện trong năm 2018 để ngành Hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 2018, ngành Hải quan được Quốc hội, Chính phủ giao dự toán thu Ngân sách Nhà nước là 283.000 tỷ đồng.