Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết, năm 2018 đã hoàn thành 3/5 chỉ tiêu cơ bản và 3/8 các chỉ tiêu về chuyên môn DS-KHHGĐ được giao.
Bên cạnh đó, các hoạt động về truyền thông, giáo dục, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai tương đối đồng bộ, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Tú, dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác DS-KHHGĐ vẫn còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc. Tiêu biểu như: kinh phí chương trình mục tiêu bị cắt giảm nhiều, hiện chỉ còn 30% so với trước đây, đặc biệt là kinh phí cho truyền thông. Thứ hai, cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi trong quá trình triển khai. Trong khi đó, tổ chức bộ máy ở địa phương xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cán bộ và hiệu quả công tác của cán bộ.
2019 - năm bản lề của các mục tiêu dân số. (Ảnh: YN) |
“Năm 2019 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu dân số đến năm 2020. Chúng ta triển khai kế hoạch năm trong bối cảnh vừa phải giải quyết, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của năm cũ vừa phải thực hiện những công việc của năm mới nên nhiệm vụ vô cùng nặng nề”, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ, năm 2018 dân số nước ta là 94,67 triệu người, tăng thêm 1 triệu người so với năm 2017. Số trẻ em mới sinh trên toàn quốc là 1,38 triệu cháu.
Về cơ cấu dân số, theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh 2018 là 1151 bé trai/1000 bé gái. Sau nhiều năm liên tục giảm, 2018 tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu tuổi nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số.
“Tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam đang ở mức cao, có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền và có sự thay đổi bất thường qua các năm. Hiện tại vẫn chưa thể khẳng định xu hướng giảm tỷ số giới tính khi sinh trong ngắn hạn bởi thực tế, tâm lý ưa thích con trai còn rất nặng nề”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nhận định.
Về chất lượng dân số, mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh từng bước được mở rộng, Ước tính tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 54,3%, đạt vượt kết hoạch. Tuy nhiên, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh tăng chậm có lý do tâm lý của bà mẹ. Về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, năm 2018 đã có hơn 2.000.000 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
“Nhưng số người cao tuổi đi khám sức khỏe định kỳ chưa được như mong muốn có một phần do tâm lý bụt chùa nhà không thiêng khi khám sức khỏe tại trạm y tế xã”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu. (Ảnh: YN) |
Đưa ra kế hoạch hoạt động về công tác dân số trong năm 2019, ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết, mục tiêu then chốt trong năm 2019 là tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Đồng thời, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Theo đó, một số chỉ tiêu cơ bản cần đạt được như tuổi thọ trung bình 73,6 tuổi; phấn đấu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức 114 bé trai/100 bé gái...
Về các chỉ tiêu chuyên môn, phấn đấu đạt 68% tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; 45% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; 70% trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh; giảm 15% số người chưa thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn; phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế và tăng thêm 10% số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ghi nhận những kết quả mà ngành Dân số đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đề nghị ngành Dân số cần nỗ lực hơn nữa, tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 21 của BCH TW Đảng.
Trong đó, chú trọng vào một số nội dung như tập trung vào việc hoàn thiện các dự án, đề án thuộc nhiệm vụ của năm 2018 như Luật Dân số; Chiến lược Dân số; Đề án truyền thông về dân số đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, bộ máy làm công tác dân số là vấn đề cần phải quan tâm và quan tâm một cách thấu đáo để làm sao ổn định bộ máy cũng như tâm lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng là cần tiếp tục chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động về công tác dân số trong tình hình mới. Triển khai có hiệu quả các mô hình, đề án can thiệp về mức sinh, cơ cấu dân số, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số…