Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu bắt nguồn một phần từ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. (Nguồn: Afaceri News) |
Giá dầu tăng phi mã
Sau gần hai năm phong tỏa liên tục vì đại dịch Covid-19, các nền kinh tế trên thế giới đã bắt đầu trở lại với trạng thái hoạt động bình thường vào đầu năm 2022.
Trên thực tế, quá trình này diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều người dự đoán, gây áp lực lên các chuỗi cung ứng đang phục hồi “khó nhọc” sau đỉnh điểm của đại dịch.
Do đó, sau khi sụt giảm do nhu cầu giảm vào năm 2020 và 2021, giá năng lượng bắt đầu tăng trở lại. Đầu năm 2022, giá dầu thô Brent ở mức 80 USD/thùng. Đến giữa tháng 2, mặt hàng chiến lược này tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng, trước khi ổn định trở lại.
Tuy nhiên, sau này, thị trường ghi nhận đây chỉ là “thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi” của “vàng đen”. Đó là bởi vì, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang từng bước phục hồi sau Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, sự căng thẳng giữa Moscow và phương Tây ngày càng leo thang đã khiến an ninh năng lượng toàn cầu bị đe dọa nghiêm trọng.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, bắt đầu từ 24/2, đã có tác động gần như ngay lập tức đến thị trường năng lượng.
Từ mức dưới 100 USD/thùng vào ngày 23/2, giá dầu thô Brent đã tăng lên 118 USD/thùng một tuần sau đó. Đến ngày 8/3, mặt hàng này tăng vọt lên hơn 133 USD/thùng.
Trong khi đó, khí đốt tự nhiên đã tăng từ khoảng 88 Euro/MWh vào ngày 23/2 lên 165 Euro/MWh một tuần sau đó và 227 Euro/MWh giờ vào ngày 7/3.
Đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, tác động của diễn biến thị trường năng lượng nhanh chóng trở nên rõ ràng. Từ mức trung bình 1,67-1,77 Euro/lít xăng trong tháng Hai, giá nhiên liệu này đã nhanh chóng tăng lên mốc 2 Euro/lít vào đầu tháng Ba.
Cùng với giá năng lượng tăng cao, giá một số dịch vụ và hàng hóa tại nhiều quốc gia cũng theo chân phi mã trong tháng Ba, thậm chí tăng 30%.
Với những đợt tăng giá tương tự xảy ra trên khắp châu Âu và thế giới, các chính phủ đã phải gấp rút đưa ra những kế hoạch đối phó nhằm giảm tác động không mong muốn.
Ở Ireland, phản ứng ban đầu là cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 200 Euro hóa đơn tiền điện cho các hộ gia đình.
Theo giới phân tích, những biện pháp hỗ trợ như thế này, cuối cùng đã được chứng minh chỉ là một bước đi mở đầu, trước khi cú sốc giá biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Tính đến cuối năm 2022, mặc dù giá dầu chưa bao giờ quay trở lại mức đỉnh hồi đầu tháng 3, nhưng nó vẫn ở mức cao trong phần lớn thời gian của năm. Trong khi đó, giá xăng tiếp tục đi lên trong nửa cuối năm nay.
Nga sử dụng “con bài” khí đốt
Tất cả những vấn đề trên một phần là do phản ứng của châu Âu đối với xung đột Nga-Ukraine.
Trong bối cảnh Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức đã nhanh chóng đình chỉ chứng nhận đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 khi việc xây dựng dự án này đã hoàn tất. Đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Đức này từng được kỳ vọng sẽ tăng cường nguồn cung và cắt giảm chi phí năng lượng cho các quốc gia Tây Âu.
Và trong khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) từng áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt, hoặc thậm chí cấm năng lượng của Nga, họ đã cam kết tự nguyện loại bỏ nguồn cung từ Moscow càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, cuối cùng thì chính Nga đã gây thêm áp lực cho EU bằng quyết định cắt giảm nguồn cung khí đốt mà nước này bơm qua đường ống Nord Stream.
Đến tháng 6, nguồn cung khí đốt của Nga đến châu Âu đã giảm 75%. Vào tháng 7, đường ống Nord Stream đóng cửa trong 10 ngày và vào tháng 8, dự án này đã ngừng hoạt động hoàn toàn.
Nga đã đặt điều kiện cung cấp khí đốt trở lại nếu EU chấm dứt các biện pháp trừng phạt nước này. Thời điểm đó, việc Moscow dừng bơm khí đốt sang châu Âu đã làm dấy lên lo ngại rằng, lục địa này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng khi mùa Đông đến.
Mối quan ngại dường như lên đến đỉnh điểm khi khí đốt bán buôn đạt gần 340 Euro/MWh vào cuối tháng 8, tăng 467% so với mức trước xung đột ở Ukraine.
Tại Ireland, theo Tổng cục thống kê, đến tháng 11, giá điện sinh hoạt đã cao hơn 63,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá gas tăng gần 89%. Và mức tăng giá này đã thúc đẩy chính phủ kêu gọi hành động nhiều hơn - với ngân sách 2023 được đóng khung dưới dạng gói “chi phí sinh hoạt”.
Chính phủ hỗ trợ các gia đình bằng nhiều khoản giảm giá năng lượng và gia hạn cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ thông qua Chương trình hỗ trợ năng lượng kinh doanh tạm thời.
Tuy nhiên, những hỗ trợ này chỉ có tác dụng làm dịu tác động của giá cả cao hơn, chứ không chặn đứng đà tăng và đưa năng lượng về mức giá hợp lý.
Trong bối cảnh Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức đã nhanh chóng đình chỉ chứng nhận đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 khi việc xây dựng dự án này đã hoàn tất. (Nguồn: AFP) |
Áp lực lên người tiêu dùng
Và thực tế đã cho thấy, khủng hoảng năng lượng cũng tác động tiêu cực tới phần còn lại của nền kinh tế.
Chi phí năng lượng cao hơn có nghĩa là nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Các trang trại phải chi nhiều tiền hơn để nuôi và vận chuyển động vật. Các nhà sản xuất phải chi trả hóa đơn năng lượng cao hơn. Các văn phòng tốn nhiều chi phí hơn cho ánh sáng và sưởi ấm.
Và cuối cùng, tình trạng trên đã ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Giá tiêu dùng tăng nhanh cũng kéo theo một loạt áp lực, khi các ngân hàng trung ương bắt tay vào kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất từ 0 lên 2% chỉ trong vài tháng vào tháng 7, khiến các khoản tín dụng trở nên đắt đỏ hơn đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Tất cả những áp lực trên như “bắt tay nhau” làm tăng thêm áp lực tăng lương, vốn đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, tạo thêm mối lo ngại về chi phí cho một số công ty.
Tuy nhiên, trong bối cảnh vô cùng khó khăn này, vẫn có thể có ánh sáng ở cuối đường hầm.
Sau khi tăng vọt vào tháng 6, giá dầu đã giảm trở lại ở mức trước xung đột, do kỳ vọng về sự suy thoái toàn cầu đã khiến nhu cầu đối với các loại xăng và dầu diesel giảm.
Trong khi đó, nỗ lực phối hợp để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu, cùng với mùa Đông ấm hơn dự kiến, cho đến nay, đã làm dịu đi nỗi lo mất điện trong khu vực. Kết quả là, giá khí đốt cũng giảm.
Đã có một số hy vọng rằng, ít nhất, diễn biến trên sẽ cho phép các công ty năng lượng bắt đầu nới lỏng một số đợt tăng giá bất thường vào đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, thách thức nạp đầy kho dự trữ khí đốt của châu Âu để chuẩn bị cho mùa Đông năm 2023 sẽ gây áp lực lớn tới nguồn cung, ngay cả khi khu vực này chuyển sang mùa Xuân và mùa Hè.