Trải qua một năm 2017 khá ảm đạm, Facebook đã dành nhiều thời gian để giải thích tại sao mà 126 triệu người dùng Mỹ bị tiếp cận thông tin từ các trang có nguồn gốc từ Nga.
Kết quả của sự việc trên đã ảnh hưởng rất nhiều tới danh tiếng của Facebook và khiến Chính phủ Mỹ soi xét kỹ các hoạt động của mạng xã hội số một thế giới này và đưa ra các quy định chặt chẽ. Điều đó không hề có lợi cho Facebook. Nhưng nếu Facebook nghĩ rằng 2017 là một năm tồi tệ, thì năm 2018 mới thực sự là một cơn ác mộng.
100 hình nộm của nhà sáng lập và CEO Facebook Mark Zuckerberg được đặt bên ngoài Đồi Capitol, Washington, Mỹ vào tháng 4/2018, khi Zuckerberg đang tiến hành điều trần và trước Quốc hội. (Nguồn: Getty Images) |
Vi phạm quyền riêng tư
Trong vài tháng đầu năm 2018, hàng triệu người dùng Facebook đã bị lộ dữ liệu riêng tư bởi một công ty thứ ba, hợp tác với Facebook mang tên Cambridge Analytica (CA). CA đã thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng mà không có sự đồng ý của họ, sử dụng một ứng dụng Facebook tạo ra có tên thisisyourdigitalife.
Trầm trọng hơn, Facebook bị cáo buộc là biết những gì Cambridge Analytica đã làm trong thời gian sắp diễn ra cuộc bầu cử ở Mỹ nhưng họ đã không tiết lộ điều đó. Mãi cho đến khi câu chuyện bị mổ xẻ bởi The New York Times, The Guardian và The Observer trong một bài báo chung, công ty mới đành phải công bố và chia sẻ thêm thông tin về vụ việc.
Facebook gọi hành động của CA là “sai phạm hoàn toàn”, nhưng lại không giải thích lý do Facebook chờ tận hai năm sau mới tiết lộ câu chuyện động trời này. Một tháng sau khi mọi chuyện vỡ lở, đồng sáng lập và CEO của Facebook Mark Zuckerberg đã phải ra mặt và điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Kiểm soát tiêu cực yếu kém
Facebook còn bị cáo buộc kích động bạo lực, truyền bá thông tin sai lệch, thậm chí sử dụng ngôn từ thù địch. Vào tháng 7, Facebook đã từ chối cấm Alex Jones, nhà lý luận âm mưu và tuyên truyền cánh hữu khỏi trang này dù cho đã có bằng chứng cho rằng Jones quảng bá tin tức giả mạo và ngôn từ kích động thù địch thông qua fanpage của chương trình thời sự InfoWars mà Alex Jones sản xuất.
Cuối cùng, không lâu sau, Facebook đã đóng cửa bốn trang của Jones, với lý do vi phạm nhiều lần các chính sách ngôn từ kích động thù địch và nói rằng trang của Jones đã “sử dụng ngôn ngữ phi nhân tính để mô tả những người chuyển giới, Hồi giáo và người nhập cư.”
Dù động thái của Facebook là đúng đắn, thế nhưng công ty này bị nhận xét là có cách tiếp cận nửa vời để chống lại tin tức giả khỏi mạng xã hội của mình. Thay vì nỗ lực xóa hết tin tức giả khỏi trang web của mình, kế hoạch của Facebook là giảm số lượng và gắn cờ chúng để người dùng nhận thức được khi một bài viết không dựa trên sự thật.
Sai vẫn hoàn sai
Vào tháng Mười, Facebook lại tiết lộ thêm một “scandal” bảo mật, làm lộ dữ liệu riêng tư của 29 triệu người dùng, trong đó 14 triệu người có thông tin rất chi tiết về cuộc sống của họ bị đánh cắp. Một lỗi trong trang web của Facebook đã cho phép tin tặc truy cập tên và chi tiết liên lạc của mọi người, cũng như tên người dùng, giới tính, ngày sinh, quê hương, ngôn ngữ, tình trạng mối quan hệ,… Thậm chí, lỗi này còn cho các hacker biết được người dùng đăng nhập vào Facebook bằng loại thiết bị nào.
Không dừng lại ở đó, ngày 20/12/2018, Facebook một lần nữa làm người dùng thất vọng. Theo hồ sơ nội bộ mà The New York Times có được, trong nhiều năm qua, Facebook đã cho phép một số công ty công nghệ lớn trên thế giới như Amazon, Microsoft, Netflix, Spotify... truy cập vào dữ liệu cá nhân người dùng, bao gồm cả việc đọc tin nhắn riêng tư mà không cần sự đồng ý từ khách hàng cũng như vượt qua các chính sách bảo mật của công ty. Tiết lộ xung đột với tuyên bố của Facebook rằng họ không còn cho các ứng dụng bên thứ ba tiếp cận thông tin người dùng thông qua bạn bè của họ nữa.
Facebook hy vọng cải thiện hình ảnh của mình, nhưng việc mất rất lâu mới tiết lộ vấn đề bảo mật không phải là cách tốt nhất để thực hiện điều đó. Theo Will Potter - giảng viên và cũng là chuyên gia tin tức giả tại Đại học Michigan: “Danh tiếng của Facebook đang nằm trong vòng xoáy tử thần. Sức mạnh của Facebook không đến từ sự tin tưởng, mà từ sự phổ biến của nó. Nỗi sợ hãi thực sự là tất cả chúng ta ngày càng tê liệt trước những vi phạm quyền riêng tư mà vẫn bị ràng buộc với các công ty công nghệ lớn đang vi phạm quyền của chúng ta.”
Facebook đã phải trả giá. Tinh thần làm việc của nhân viên giảm sút, những lời kêu gọi từ bỏ Facebook đang ngày càng nhiều và những người sáng lập hai trong số những sản phẩm phổ biến nhất của họ - WhatsApp và Instagram - đã từ chức. Giá cổ phiếu Facebook đã giảm hơn 20% trong năm nay và Zuckerberg mất khoảng 15 tỷ USD.
Bất chấp tất cả, có vẻ như ban lãnh đạo Facebook tiếp tục tin rằng công ty của họ đang phát triển theo hướng tốt nhất.
Dù vậy, Facebook cũng sẽ sớm phải suy nghĩ lại về hành động của mình, bởi Chính phủ Mỹ cũng như các nước khác sẽ không để yên cho những sai phạm này tiếp tục xảy ra. Chắc chắn, Facebook sẽ sớm phải đưa ra lời xin lỗi tới người dùng trong thời gian tới.