Xung đột vũ lực vẫn là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất trong thập niên 20 của thế kỷ này. (Nguồn: National Interest) |
Khả năng diễn ra một cuộc chiến tranh toàn cầu trong năm 2020 là rất thấp và người ta đều chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử Mỹ để hiểu rõ hơn về định hướng chính sách của nước này trong bốn năm tới. Tuy nhiên, mọi cuộc khủng hoảng đều diễn ra theo logic riêng của nó và bất kỳ Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga có thể cảm thấy bắt buộc phải hành động.
Khi Mỹ bước vào năm bầu cử, triển vọng cho sự ổn định toàn cầu vẫn chưa chắc chắn. Chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump mâu thuẫn với chính sách của những người tiền nhiệm, và có khả năng sẽ là một điểm tranh luận trung tâm trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay tại nước này. Hiện tại, có thể xuất hiện một số cuộc khủng hoảng mà không những có thể đảo ngược kết quả bầu cử mà còn có khả năng tạo ra một cuộc xung đột toàn cầu rộng lớn hơn. Dưới đây là năm điểm nóng nhất có thể châm ngòi cho chiến tranh thế giới và dù không điểm nào trong số này có khả năng hơn cả, nhưng chỉ cần một tia lửa nhỏ, đám cháy sẽ bùng phát.
Quan hệ Iran - Israel
Iran và Israel đã tiến hành chiến tranh cường độ thấp trên khắp Trung Đông. Iran ủng hộ các lực lượng chống Israel ở Dải Gaza, Lebanon, Syria và các nơi khác, trong khi Israel xung đột với các lực lượng thân Iran trên toàn khu vực. Israel đã thực hiện mọi bước để âm thầm xây dựng một liên minh chống Iran rộng lớn ở cấp độ ngoại giao, trong khi Iran đã đầu tư sâu cho việc vun đắp mối quan hệ với các lực lượng du kích cũng như các thế lực phi quốc gia khác.
Thật khó để tưởng tượng các kịch bản có thể tạo ra một cuộc chiến rộng lớn hơn, dữ dội hơn. Nếu Iran quyết định nối lại chương trình hạt nhân của mình, hoặc có hành động thù địch nguy hiểm với Saudi Arabia, Israel có thể bị lôi cuốn tham gia vào các cuộc tấn công rộng lớn hơn, hoặc tấn công trực tiếp vào Iran. Một cuộc xung đột như vậy có thể có hậu quả nghiêm trọng, đe dọa nguồn cung dầu toàn cầu và có khả năng kéo Mỹ hoặc Nga vào cuộc.
Thổ Nhĩ Kỳ
Các mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã gia tăng trong năm qua. Căng thẳng gia tăng đáng kể khi Mỹ bất ngờ bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ giải tỏa các khu vực biên giới Syria của người Kurd được Mỹ chống lưng, sau đó ngay lập tức ra lệnh trừng phạt và đe dọa trừng phạt Ankara. Trong khi đó, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn tàng trữ tại căn cứ Không quân Incirlik. Một số tuyên bố của Tổng thống Erdogan cho thấy ông có những khát vọng to lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, có thể bao gồm tham vọng hạt nhân.
Thực trạng mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phân rã đến mức một số người lo ngại cho tương lai của liên minh NATO. Không ai mong muốn Erdogan thực sự thu giữ vũ khí (hạt nhân của Mỹ), và ngay cả khi ông ta làm điều đó, Thổ Nhĩ Kỳ không thể vượt qua các biện pháp bảo vệ đầu đạn trong bất kỳ thời điểm nào. Nhưng Erdogan được cho không quản lý tốt các vấn đề, và có thể sự liên kết với các vấn đề khác có khả năng đẩy Washington và Ankara đến đường cùng. Và tất nhiên, đâu đó sẽ có bóng dáng của Nga.
Vấn đề Kashmir
Trong thập kỷ qua, khoảng cách về sức mạnh vũ khí thông thường giữa Ấn Độ và Pakistan chỉ tăng lên, ngay cả khi Pakistan cố gắng giảm khoảng cách đó bằng vũ khí hạt nhân. Mặc dù (hoặc có thể vì điều này), căng thẳng giữa các đối thủ vẫn ở mức thấp cho đến khi Thủ tướng Narendra Modi thực hiện các bước để giảm quyền tự trị của Kashmir và thay đổi chính sách công dân trong phần còn lại của Ấn Độ. Những bước đi này đã gây ra một số bất ổn ở Ấn Độ, và đã làm nổi bật những căng thẳng kéo dài giữa Delhi và Islamabad.
Những xáo trộn trong nước ở Ấn Độ có thể khiến Pakistan (hoặc các nhóm cực đoan ở Pakistan) có ý nghĩ họ có cơ hội, hoặc thậm chí có trách nhiệm, can thiệp dưới một số hình thức. Mặc dù điều này khó có thể khơi mào hành động quân sự thông thường, nhưng nó có thể bao gồm các cuộc tấn công khủng bố mang tính quốc tế, ở Kashmir hoặc trên phạm vi quốc tế. Nếu điều này xảy ra, Modi có thể cảm thấy bị buộc phải phản ứng theo cách nào đó, dẫn đến một nấc thang leo thang có thể đưa hai nước đến bờ vực của một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn. Với vị trí thấp thoáng của Trung Quốc và mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa New Delhi và Washington, loại xung đột này có thể gây ra những hiệu ứng quốc tế khủng khiếp.
Bán đảo Triều Tiên
Một năm trước, hy vọng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể thành công trong việc giảm vĩnh viễn căng thẳng của bán đảo, vẫn còn. Thật không may, các vấn đề cốt lõi tình hình trong nước của cả hai bên, cùng với một vấn đề chiến lược hóc búa bí ẩn, đã ngăn cản đạt được thỏa thuận. Căng thẳng giữa hai nước hiện đang cao như bất cứ lúc nào kể từ năm 2017, và cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ có thể tiếp tục đe dọa mối quan hệ này.
Chính quyền của Tổng thống Trump dường như vẫn hy vọng một thỏa thuận với Triều Tiên có thể cải thiện kết quả bầu cử vào tháng 11 tới. Nhưng Bình Nhưỡng không quan tâm đến các điều kiện mà phía Washington đưa ra, và ngày càng làm cho việc họ không quan tâm trở nên rõ ràng. Mới đây, Triều Tiên đã hứa tặng “một món quà Giáng sinh” mà nhiều người ở Mỹ lo lắng sẽ là vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo, nhưng họ đã không làm gì.
Nếu Triều Tiên quyết định thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc tệ hơn là hạt nhân, chính quyền Trump có thể cảm thấy cần phải can thiệp mạnh mẽ. Cụ thể, Trump có tiếng là theo đuổi phong cách chính sách đối ngoại cá nhân sâu sắc và có thể cảm thấy bị lãnh đạo Kim phản bội, sẽ tạo ra một tình huống thậm chí còn bất định hơn.
Biển Đông
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở thời điểm bấp bênh. Thỏa thuận thương mại giữa hai nước có vẻ làm giảm bớt một số căng thẳng, nhưng việc thực hiện vẫn đang là một dấu hỏi. Trong khi Trung Quốc nỗ lực duy trì mối quan hệ với Nga, thì Mỹ đã tranh cãi với cả Hàn Quốc và Nhật Bản - hai đồng minh thân cận nhất trong khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, dường như cả hai bên sẽ không có muốn xung đột. Nhưng Tổng thống Trump đã đặt cược nhiều phần chiếc ghế của mình trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, và có thể cảm thấy bị buộc để tình hình leo thang trong năm tới. Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước. Do đó, cả hai bên đều có những bước leo thang ngoại giao và kinh tế - điều luôn có thể dẫn đến sự đối đầu quân sự ở các khu vực như Biển Đông hoặc biển Hoa Đông.