📞

Năm đỉnh cao quan hệ Việt Nam - Iran

12:00 | 06/10/2016
Nhân dịp Tổng thống Iran Hassan Rouhani thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-7/10, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch đã dành riêng cho báo TG&VN bài phỏng vấn về quan hệ Việt Nam - Iran.

Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn.

Đại sứ có thể chia sẻ cảm nhận về những thay đổi của đất nước Iran từ sau khi nước này ký thỏa thuận hạt nhân với các nước Phương Tây?

Bất cứ ai ở Tehran sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 được ký đều nhận thấy các hoạt động ngoại giao ở đây trở nên tấp nập, dồn dập. Mỗi tháng phải có vài đoàn cấp cao thăm Iran, từ tất cả các châu lục, còn cấp bộ trưởng thì không tính hết. Thành phần các đoàn cũng đều rất đông, có khi lên tới 100-200 người. Số lượng các thỏa thuận ký cũng “khủng khiếp”. Có những chuyến thăm cấp cao tới Iran hai bên ký đến gần 20 thỏa thuận! Trong ngoại giao đoàn người ta thầm thì bây giờ có mốt đi thăm Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-7/10.

Tuy nhiên, kết quả của việc dỡ bỏ cấm vận có vẻ khó thấy, hay gần như chưa thấy. Điều duy nhất tôi thấy là khu vui chơi Tochal một năm nay được đầu tư hơn, khang trang hơn, nhiều trò giải trí hơn. Còn toàn bộ Tehran gần như không có thay đổi gì đột biến. Đường phố vẫn những chiếc xe Iran sản xuất, có thể xe nước ngoài nhiều hơn một chút.

Tức là bỏ cấm vận chưa làm thay đổi cuộc sống ở Iran, thưa Đại sứ?

Số lượng các văn bản được ký khá nhiều, cam kết khá lớn, có giá trị hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, đại đa số các thỏa thuận đều ở dạng Bản ghi nhớ, tức là còn phải tiếp tục đàm phán tiến tới thỏa thuận đầy đủ. Dường như các nước đều đang đứng ở ngưỡng cửa chuẩn bị bước vào thị trường Iran nhưng còn chờ xem tình hình thế nào để bước tiếp vào hay không.

Nỗi lo lắng của các nước không phải là không có cơ sở vì đã từng có các biện pháp trừng phạt với số tiền lên tới cả chục tỉ USD đối với ngân hàng làm ăn với Iran.

Đã 9 tháng trôi qua kể từ khi thỏa thuận đi vào thực hiện, Iran đã dừng chương trình hạt nhân của mình và thực hiện các cam kết nhưng giao dịch ngân hàng vẫn chưa thực hiện được. Do đó người ta nói không sai là bỏ cấm vận mới chỉ là trên giấy. Tất cả đang chờ xem thỏa thuận mua 200 chiếc máy bay của Airbus và Boeing được thực hiện thế nào.

Nếu thỏa thuận này được thực hiện mặc dù khá phức tạp với việc không được dùng USD và không được sử dụng hệ thống tài chính Mỹ, đây sẽ là đột phá trong việc thực hiện dỡ bỏ cấm vận; sẽ không còn là trên giấy nữa mà là trên thực tế. Lúc đó hàng trăm văn bản kia sẽ thành các thỏa thuận thực sự và sẽ mang lại sự đổi thay lớn cho Iran.

Trong chuyến thăm Iran của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đầu năm nay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng chuyến thăm là bước tiến mới cho quan hệ song phương Việt Nam - Iran. Theo Đại sứ, quan hệ hai nước đã có bước tiến nào từ sau chuyến thăm này?

Sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy quan hệ hai nước. Một số đoàn chính phủ hai nước đã thăm lẫn nhau, trong đó có cả những lĩnh vực lần đầu tiên có trao đổi tiếp xúc. Cuộc họp của Nhóm làm việc thúc đẩy thương mại cũng được tổ chức để bàn các biện pháp và tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Hội đàm giữa hai đoàn đại biểu Iran và Việt Nam nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước tới Iran, tháng 3/2016.

Nhiều doanh nghiệp của cả hai nước đã sang để tìm hiểu cơ hội làm ăn, một số thỏa thuận đã được ký kết. Đặc biệt những doanh nghiệp lớn như Viettel hay VNPT đã tìm được các đối tác Iran và đang bàn các thỏa thuận hợp tác. Chưa có nhiều hợp đồng và giá trị các hợp đồng còn khiêm tốn, nhưng trong bối cảnh  hiểu biết giữa hai nước còn có phần hạn chế, các doanh nghiệp còn tâm lý e dè, việc khởi đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các con số hợp tác lớn sau này sẽ bắt nguồn từ những  khởi đầu khiêm tốn hôm nay.

Năm nay có hai chuyến thăm cấp Nhà nước lẫn nhau giữa Việt Nam và Iran. Theo Đại sứ, điều này có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ hai nước?

Có thể khẳng định năm 2016 là năm đỉnh cao của quan hệ Việt Nam – Iran. Chưa năm nào trong lịch sử quan hệ hai nước chứng kiến hai đoàn cấp cao thăm lẫn nhau trong vòng chưa đầy 7 tháng.

Hai nước thiết lập quan hệ năm 1973 sau khi Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đã có 3 Chủ tịch nước Việt Nam thăm Iran và 3 Tổng thống Iran thăm Việt Nam. Nhưng 2 trong số 6 chuyến thăm cấp cao này được thực hiện cùng trong năm 2016. Nói như vậy để thấy rõ ý nghĩa của năm 2016 đối với quan hệ song phương Việt Nam – Iran.

Hai chuyến thăm cấp Nhà nước là những nỗ lực ở cấp cao nhất để từng bước tạo ra khung pháp lý cho quan hệ hợp tác giữa hai nước, giúp người dân hai nước hiểu nhau hơn, và từ đó quan hệ hợp tác đa dạng giữa hai nước mới đơm hoa kết trái. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng quan hệ song phương hai nước sẽ bước sang một trang mới, phát triển mạnh mẽ như chưa từng có.

Theo Đại sứ, dựa trên cơ sở nào hai nước đã đặt ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD và liệu mục tiêu này có khả thi?

Con số thương mại chính thức giữa hai nước mới chỉ khoảng 100 triệu USD. Nếu nhìn như vậy thì mục tiêu 20 lần lên 2 tỷ USD trong những năm tới dường như là không tưởng. Nhưng những năm qua, hàng Việt Nam vẫn vào Iran bằng nhiều ngả. Riêng lượng giầy dép “Made in Vietnam” trong các cửa hàng Iran và uy tín của giầy Việt Nam với người tiêu dùng Iran đã cho thấy con số 100 triệu USD là không thực tế. Con số thực có thể phải gấp vài lần. Nhưng quan trọng là còn nhiều tiềm năng giữa hai nước chưa được khai thác.

Việt Nam và Iran có rất nhiều các mặt hàng bổ sung cho nhau, là cơ sở để cho thương mại phát triển. Du lịch cũng có tiềm năng rất lớn. Người Iran đi du lịch rất nhiều. Người Việt Nam cũng bắt đầu đi du lịch Iran. Du lịch sẽ kéo theo sự hiểu biết lẫn nhau và cơ hội kinh doanh giữa hai nước sẽ được khai thác. Như vậy, du lịch vừa là một lĩnh vực trao đổi giữa hai nước, vừa là chất xúc tác cho giao thương giữa hai nước phát triển. Đặc biệt, nếu các dự án lớn như Viettel, VNPT, hóa dầu thành công, con số hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước sẽ có những bước nhảy vọt.

Đại sứ có thể chia sẻ về đất nước Iran với những đặc trưng và bản sắc văn hóa riêng biệt. Những kỉ niệm của Đại sứ khi sinh sống và làm việc trên mảnh đất đặc biệt này?

Tôi không phải chuyên gia về Trung Đông, càng không phải là chuyên gia về Iran nhưng “tình cờ” trở thành Đại sứ Việt Nam ở Iran. Trước khi tôi đến Iran cũng có một số người chia sẻ với tôi về tình yêu đất nước Iran, nhưng đại đa số đều ái ngại cho tôi. Tôi hay nói thành thật với các bạn Iran đây là sự bất ngờ thú vị đối với tôi vì những gì tôi được trải nghiệm ở Iran khác và hay hơn những gì mình nghĩ. Có lẽ không chỉ riêng tôi có cảm giác như vậy mà hầu như tất cả các đại sứ ở Tehran đều có chung ý nghĩ này.

Có thể nói, tôi yêu đất nước và con người Iran ngay từ những ngày đầu nhận công tác. Đầu tiên đấy là ấn tượng về tình cảm hiếu khách của người Iran. Đi đâu cũng thấy những nụ cười của các bạn Iran dành cho chúng ta. Không chỉ từ người lớn mà ngay cả các em nhỏ cũng luôn thể hiện tình cảm hiếu khách. Nhiều cháu cười rất tươi và nói “welcome to Iran”. Dường như các cháu tự nghĩ và tự nói những điều đấy với người nước ngoài chứ không phải được dạy như vậy. Điều đó lại càng làm cho chúng ta khâm phục đất nước và con người Iran.

Người Iran rất yêu âm nhạc và thơ ca. Có thể nói âm nhạc và thơ ca ngấm vào máu người Iran mà bất cứ ở đâu cũng có thể nhận thấy. Không phải chỉ ở những nơi đọc thơ, biểu diễn nhạc, hay kịch mà ở đâu cũng có thể thấy nét văn hóa đó của người Iran.

Có thể nói dài hơn về đất nước và con người Iran, tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm đất nước rộng lớn với bề dầy lịch sử hàng ngàn năm luôn có nhiều điều để chúng ta khám phá; và càng khám phá thấy nét đẹp, càng có tình cảm với mảnh đất và con người nơi đó. Đất nước và con người Việt Nam cũng đẹp. Nhiều bạn Iran cũng trầm trồ với tôi về chuyến đi thăm Việt Nam của mình. Tôi hy vọng sẽ nhiều người Việt Nam đến với Iran và nhiều người Iran đến với Việt Nam. Quan hệ hai nước không thể không phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)