Ngày 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Công tác NGKT của Nam Định bám sát đường lối đối ngoại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Xây dựng nền ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ"; Kế hoạch số 68-KH/TU ngày 14/10/2022 của Ban TVTU về triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác NGKT phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Đưa các hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu
Thời gian qua, tỉnh Nam Định tích cực đưa các mối quan hệ đối ngoại kinh tế của tỉnh với địa phương của các nước và tổ chức quốc tế đi vào chiều sâu. Hiện tại có 37 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai các hoạt động, các dự án theo cam kết. Có thể kể đến hợp tác với tỉnh Miyazaki và trường Đại học Minami Kyushu (Nhật Bản) trên lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hợp tác với tỉnh Jeju (Hàn Quốc) trong lĩnh vực lao động thời vụ; tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Oudomxay (Lào).
Qua các chương trình hợp tác xuất khẩu lao động, có hàng chục nghìn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đa số người lao động ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ; trong đó thu nhập bình quân của người lao động (kể cả làm thêm) tại các thị trường: Trung Đông đạt 400-600 USD/tháng; vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đạt 700-800 USD/tháng; Hàn Quốc, Nhật Bản 1.000-1.200 USD/tháng.
Tỉnh tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam trong công tác lãnh sự, bảo hộ công dân; củng cố mạng lưới và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng người Nam Định ở nước ngoài, nâng cao hiệu quả công tác đối với kiều bào. Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để giải quyết các vụ việc liên quan đến công dân của tỉnh khi nhập cảnh và hoạt động tại nước ngoài.
Hiện nay, Nam Định đã tham gia các hội hữu nghị; nổi bật là Hội hữu nghị Việt Nam-Thái Lan với hơn 400 thành viên, trong đó nòng cốt là các kiều bào từng sinh sống tại Thái Lan hồi hương; Hội Việt kiều Nam Định đã và đang mở các lớp dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều tại Thái Lan. Các hiệp hội là cầu nối để vận động doanh nghiệp kiều bào tham gia xây dựng quê hương. Trong các dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các hội hữu nghị tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình các hội viên có những thành tích đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gia đình chính sách, người có công, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, góp phần gắn kết tình cảm cộng đồng. Nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, ẩm thực, kinh tế… với sự tham gia của các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam ngày càng thúc đẩy hiệu quả công tác NGKT.
Thời gian gần đây, tỉnh và cơ quan chuyên môn đã chủ động tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) trực tiếp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc)… Thông qua các chương trình, hoạt động XTĐT tại nước ngoài, tỉnh đã trực tiếp giới thiệu, quảng bá bối cảnh, môi trường kinh doanh tại Nam Định; tiếp cận và ký được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.
Qua hoạt động XTĐT tổ chức trực tiếp tại nước ngoài giúp tỉnh đánh giá được tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư, nhất là thông tin về các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong những lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, các doanh nghiệp có tiềm năng hợp tác, trở thành các đối tác chiến lược trong thời gian tới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc tiếp và làm việc với Giám đốc Liên đoàn doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Chú trọng chất lượng hoạt động tại địa phương
Không chỉ ở ngoài nước, tỉnh chú trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng NGKT ngay tại địa phương. Trong đó, tỉnh chủ động xây dựng, thường xuyên duy trì tổ chức các chương trình tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã, đang và sẽ hoạt động trên địa bàn; đẩy mạnh hỗ trợ về thông tin cơ chế chính sách, kết nối nhà đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và XTĐT năm 2024, có sự tham gia của đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại tỉnh và cả nhà đầu tư đang tìm hiểu thị trường tại địa phương, các thông tin về quy hoạch, định hướng tổng thể kế hoạch đầu tư các công trình, dự án trên toàn tỉnh và chi tiết của từng huyện, thành phố trong cả thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công khai đầy đủ.
Ngay tại hội nghị đã có 9 nhà đầu tư có thương hiệu lớn (Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP), Tập đoàn Flamingo, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Thịnh, Công ty TNHH Gulf Energy, Công ty Cổ phần Tập đoàn GLB Group...) đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh về đầu tư các dự án trọng điểm tại Nam Định. Tỉnh đón tiếp ngày càng nhiều các đoàn khách, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác, kinh doanh như: Đoàn công tác của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam; đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam; đoàn công tác của Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam; Đoàn công tác Hiệp hội len Australia; liên đoàn doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam; đoàn đại biểu tỉnh Miyazaki (Nhật Bản); đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc; đoàn công tác Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam; đoàn Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức; đoàn Hiệp hội thương mại Đài Loan (Trung Quốc) tại Việt Nam; đoàn các nghị sĩ, doanh nghiệp Nhật Bản; Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Công ty VSIP Việt Nam…
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh dự Hội nghị với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Quyết liệt cải thiện toàn diện môi trường đầu tư
Cùng với các giải pháp đó, tỉnh quyết liệt cải thiện toàn diện môi trường đầu tư để tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Nổi bật là, tăng tốc thúc đẩy đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thuận lợi kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghiệp, trong đó chủ động đầu tư hệ thống hạ tầng các KCN đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đưa vào phục vụ nhà đầu tư.
Chính quyền tỉnh chủ động đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận, thụ hưởng chính sách, cải thiện chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính để các nhà đầu tư được hưởng lợi cao nhất trong suốt quá trình XTĐT và triển khai thực hiện đưa dự án đi vào sản xuất, kinh doanh tại Nam Định.
Để các doanh nghiệp nội tỉnh tận dụng tối đa các cơ hội phát triển xuất khẩu hàng hóa, Nam Định chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vướng mắc trong kinh doanh với đối tác nước ngoài, khai thác tối đa tiềm năng các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Tỉnh ban hành "Quy định phối hợp hoạt động Thông báo và Hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại tỉnh Nam Định" và thành lập "Điểm hỏi - đáp" về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các kiến thức khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa của tỉnh; kết nối thường xuyên với Văn phòng Rào cản kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam để cập nhật thông tin, giải đáp các yêu cầu kỹ thuật trong thương mại cho các doanh nghiệp tại tỉnh.
Hàng tháng, tỉnh có kế hoạch xuất bản định kỳ (1 kỳ/tháng) bản tin trên các nền tảng điện tử cập nhật nội dung các văn bản liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại (văn bản pháp quy, tiêu chuẩn mới), đặc điểm một số thị trường nhập khẩu lớn và cảnh báo của các nước thành viên WTO có liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Các ngành chức năng theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách và nhu cầu tiêu dùng, sức mua của các thị trường lớn mà doanh nghiệp trong tỉnh đang có hoạt động xuất khẩu, kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp để có ứng phó phù hợp với chính sách và nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Nhờ đó, lực lượng doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; năng lực chống chọi, ứng phó với các tình huống, diễn biến bất thường của thị trường nâng lên.
Toàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trực tiếp (trong đó có gần 80 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia xuất khẩu hàng hoá theo hình thức ký gửi, ủy thác sang hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó, chủ yếu là các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN). Mặt khác, các doanh nghiệp của tỉnh nắm bắt sâu hơn các yêu cầu, quy định của thị trường xuất khẩu; nỗ lực tiếp cận, tận dụng khai thác mọi cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu; nâng mức tăng trưởng đối với các thị trường chủ chốt, thị trường truyền thống, nhất là thị trường châu Âu đồng thời đẩy mạnh phát triển các thị trường ngách, thị trường tiềm năng.
Nam Định đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Trong ảnh, đoàn Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức khảo sát chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. |
Những đổi thay đáng kể
Có thể thấy, các hoạt động NGKT đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
Tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 2.528 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 594 triệu USD. Thu hút đầu tư FDI không chỉ gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn đầu tư mà còn tạo được làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn, công nghệ cao khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Nam Định.
Tính đến ngày 31/7/2024, Nam Định có 163 dự án FDI đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký FDI đạt 4.225,8 triệu USD; tổng vốn thực hiện lũy kế khoảng 1.370 triệu USD, đạt 32,4% tổng vốn đăng ký; hầu hết các dự án đều tiến hành triển khai ngay sau khi hoàn tất các thủ tục về đầu tư. Nổi bật là các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Quanta, JiaWei (Đài Loan - Trung Quốc), Tập đoàn Sunrise Material, Công ty Xingyu Safety Technology (Singapore)…
Tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ về phát triển KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) tại huyện Giao Thuỷ; phát triển dự án Trung tâm thương mại AEON Nam Định… Đây là những doanh nghiệp, dự án lớn có khả năng lan tỏa tác động, quảng bá uy tín, môi trường đầu tư, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh những năm tiếp theo.
Nhà đầu tư Singapore rót hơn 84 triệu USD đầu tư dự án sản xuất găng tay tại KCN Bảo Minh mở rộng (Nam Định). (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Việc cần làm ngay
Thời gian tới, tỉnh xác định công tác NGKT cần được thúc đẩy nhanh hơn nữa, bám sát các chủ trương, định hướng và nhu cầu của tỉnh, thế mạnh của các đối tác, các quốc gia. Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ: Cải thiện môi trường hợp tác và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh du lịch; kêu gọi đầu tư, mở rộng các động lực tăng trưởng đã được xác định tạo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm nền tảng cho sự phát triển.
Thêm vào đó, tăng cường các chương trình, hoạt động kết nối doanh nghiệp thế giới với doanh nghiệp Nam Định; kết nối Nam Định với các địa phương của vùng đồng bằng sông Hồng và doanh nghiệp của các nước để tận dụng cơ hội, thúc đẩy hợp tác phát triển với các doanh nghiệp nước ngoài.
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động XTĐT; trong đó theo kế hoạch ngay trong tháng 9/2024, tỉnh sẽ tổ chức đoàn công tác XTĐT tại Đức và Thụy Sỹ. Hơn nữa, tỉnh cũng đẩy mạnh huy động nguồn lực của người Nam Định ở nước ngoài phục vụ phát triển quê hương, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác NGKT thời gian tới.
| Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 355/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ... |
| Bị từ chối bàn thắng, Nam Định gục ngã ở bán kết cúp Quốc gia Quyết định gây tranh cãi của trọng tài đã khiến Nam Định phải ngậm ngùi dừng bước ở vòng bán kết cúp Quốc gia. |
| ‘Tri thức dân gian Phở Nam Định’ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nam Định là quê hương của nghề phở, món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được thực khách trong và ngoài ... |
| Kinh tế Việt Nam: Thời khắc mong đợi đã tới, giữ vững '3 chân kiềng kinh tế', lấy lại hào quang Ấn tượng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024, báo cáo của Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân ... |
| Costa Rica quyết định công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường Ngày 5/8, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tiếp và làm việc với Bộ trưởng Ngoại ... |
| Hội nhập kinh tế xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ chính thức được nhấn mạnh ... |