Những người biểu tình đã cáo buộc quyết định của Mỹ là một cuộc tấn công chống lại chủ quyền của Nam Sudan.
Sau khi gửi đơn tại Đại sứ quán Mỹ nhằm yêu cầu Washington xem xét lại quyết định, đoàn người biểu tình đã tiếp tục tuần hành đến trụ sở chính của Phái đoàn Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) để bày tỏ sự phản đối.
Hàng trăm người biểu tình Nam Sudan đã tuần hành trên các đường phố tại thủ đô Juba để phản đối quyết định của Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối quốc gia Đông Phi. (Nguồn: AP) |
Một số người biểu tình trẻ tuổi đã có hành động quá khích khiến một nữ phóng viên người Canada của hãng tin AP bị hành hung khá nghiêm trọng do nhầm lẫn nữ nhà báo này là người Mỹ. Hiện nhà báo này đang được điều trị tại một phòng khám của Liên hợp quốc (LHQ) gần đó.
Trước đó, ngày 2/2, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan và kêu gọi Hội đồng bảo an LHQ áp dụng lệnh cấm vận tổng thể đối với quốc gia non trẻ nhất thế giới này.
Mỹ đồng thời đề nghị Liên minh châu Phi (AU), Khối các quốc gia Đông Phi, Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể gây trở ngại đối với tiến trình hòa bình tại Nam Sudan.
Nam Sudan đã triệu hồi Đại sứ tại Mỹ sau quyết định trên của Washington.
Nam Sudan rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn tháng 12/2013 sau khi tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar xảy ra, dẫn đến cuộc nội chiến giữa các chiến binh thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với ông Kiir chống lại nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar.
Xung đột và nội chiến kéo dài 4 năm qua đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến dòng người tìm kiếm tị nạn gia tăng nhanh nhất thế giới.
Một thoả thuận hoà bình được ký kết hồi tháng 8/2015 giữa các nhà lãnh đạo đối lập dưới áp lực của LHQ, dẫn tới thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất tháng 4/2016. Tuy nhiên, thoả thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ tháng 7/2016.