📞

Năm Tân Sửu 2021: Năm nhiều thách thức, lắm vận hội với bóng đá Việt Nam

11:52 | 08/02/2021
TGVN. Nhiều giải đấu quốc tế trước mắt các đội tuyển, bên cạnh đó là giải V-League vốn là nền tảng của bóng đá nội, làng túc cầu Việt Nam đối diện với một năm nhiều thách thức, nhưng cũng lắm vận hội.
Sang năm Tân Sửu 2021, bóng đá Việt Nam hứa hẹn nhiều hấp dẫn từ giải quốc nội đến các trận đấu trong khuôn khổ khu vực và châu lục. (Ảnh: Gia Hưng)

Giải V-League hứa hẹn hấp dẫn chưa từng thấy

Nhắc đến giải V-League đầu tiên bởi hệ thống thi đấu quốc nội chính là phần chân đế cho cả nền bóng đá.

V-League đã bắt đầu từ năm cũ (theo Âm lịch Canh Tý), nhưng chỉ mới diễn ra hơn 2 vòng (vòng 3 chỉ mới có 2 trận đã đấu), trước khi lại bị hoãn vì dịch Covid-19.

Giới bóng đá nội dĩ nhiên mong giải đấu sớm quay trở lại, để tiếp tục cuộc đua tranh hứa hẹn sẽ gay cấn chưa từng có, với rất nhiều đội đặt chỉ tiêu cao, từ đội bóng giàu thành tích nhất cả nước như CLB Hà Nội, đương kim vô địch Viettel, cho đến những anh nhà giàu mới nổi CLB TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn FC, hay thế lực ngỡ như đã bị lãng quên Hoàng Anh Gia Lai, nay thức giấc bằng bản hợp đồng "bom tấn" với vị HLV nổi tiếng nhất Đông Nam Á Kiatisuk Senamuang.

Giấc mơ vượt qua vòng loại World Cup

Khả năng phần còn lại của vòng loại thứ hai World Cup 2022 - khu vực châu Á sẽ diễn ra vào tháng 6. Riêng bảng G nơi có đội tuyển Việt Nam khả năng sẽ thi đấu ở UAE.

Đội bóng của HLV Park Hang Seo có lợi thế đang dẫn đầu bảng G vòng loại, có lợi thế vượt qua vòng loại thứ 2. Nếu điều đó xảy ra, bóng đá Việt Nam sẽ lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào giai đoạn vòng loại cuối cùng của World Cup - khu vực châu Á.

HLV Park Hang Seo và các học trò ý thức được nhiệm vụ lịch sử này, đồng thời vị HLV người Hàn Quốc tỏ ra đầy quyết tâm để hoàn thành mục tiêu cho bóng đá Việt Nam.

Mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho giải vô địch bóng đá Đông Nam Á thay vì diễn ra vào cuối năm 2020, được dời đến cuối năm 2021.

Đây là 1 trong 2 mục tiêu lớn trong năm dành cho đội tuyển quốc gia. Lên ngôi vô địch đã là điều khó, bảo vệ ngôi vô địch còn khó hơn. Trong lịch sử, bóng đá Việt Nam cũng chưa bao giờ vô địch Đông Nam Á 2 lần liên tiếp.

Thế hệ hiện tại của bóng đá Việt Nam được ví von là thế hệ chinh phục lịch sử và họ háo hức một lần nữa vượt qua người Thái, người Mã, người Indo, để "xưng vương" tại AFF Cup.

Hướng đến tấm HCV SEA Games

Cũng giống như ở đấu trường AFF Cup, bóng đá nam Việt Nam chưa bao giờ 2 lần liên tục vô địch SEA Games. Năm nay, Đông Nam Á vận hội lại được tổ chức trên sân nhà của chúng ta, nên khát khao vô địch của bóng đá nội càng lớn.

Ngôi vô địch SEA Games vào cuối năm, nếu có, cũng là lời khẳng định dành cho thế hệ cầu thủ hiện tại, so với thế hệ từng giành HCV giải đấu này cách đây 2 năm.

2 năm trước, những Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh, Đức Chinh, Thành Chung… được đánh giá cực cao, và chuyện họ vô địch SEA Games được cho là đương nhiên.

Giờ, những Hai Long, thủ môn Văn Toản, Việt Anh, Hữu Thắng… muốn chứng minh họ dẫu không lấp lánh như các đàn anh, nhưng vẫn là tinh hoa của bóng đá nội.

Vòng loại U23 châu Á

Đội tuyển U23 Việt Nam sẽ tham dự giải U23 châu Á năm nay không còn với tư cách đội đương kim Á quân, sau khi chúng ta thất bại tại VCK giải đấu này hồi đầu năm 2000, tại Thái Lan.

Nhưng chính thất bại tại giải đấu đấy càng là động lực để các chàng trai của HLV Park Hang Seo thêm quyết tâm cho vòng loại của giải năm nay.

Quyết tâm hướng đến thành công để chứng minh, ngôi Á quân lịch sử của năm 2018 mà chúng ta giành được trên đất Trung Quốc, tại VCK giải U23 châu Á năm đó, không phải là ăn may, mà đó là thành quả của công tác đầu tư bài bản, phát triển bóng đá trẻ có chiều sâu của toàn bộ nền bóng đá, đặc biệt ghi công của các CLB và những "lò đào tạo" trẻ chuyển mình theo hướng hiện đại!

(theo Dân trí)