Phát triển nhanh các trường, nhóm lớp mầm non độc lập
Trước hết về vấn đề chất lượng giáo dục mầm non, đặc biệt tại các khu công nghiệp, Phó Thủ tướng nêu nhiều nguyên nhân từ giáo viên tới cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể, hiện có khoảng 60% giáo viên mầm non trình độ từ cao đẳng trở lên, trên 30% có trình độ trung cấp. Do đó việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong các trường sư phạm là rất quan trọng. Bên cạnh đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong kiểm tra, xét duyệt, cho mở trường, các nhóm lớp mầm non độc lập. Nhưng nguyên nhân lớn nhất, theo Phó Thủ tướng, là độ bao phủ của hệ thống cơ sở giáo dục mầm non còn rất thấp, mới chỉ đạt 27,7% như một số đại biểu đã nói. Điều đó dẫn tới tình trạng một số trường mầm non không nhận trẻ từ ba tháng tuổi trở lên dù luật đã quy định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 6/6. |
“Điều cần thiết bây giờ là phải phát triển nhanh các trường, các nhóm lớp độc lập, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Khảo sát cụ thể, nhất là tại các khu công nghiệp, cho thấy nơi nào chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng thì tỷ lệ trẻ đến trường cao hơn”, Phó Thủ tướng đề nghị và lưu ý bên cạnh trường công lập cần hết sức tạo điều kiện để phát triển các cơ sở giáo dục, nhóm lớp mầm non tư thục tại khu công nghiệp.
“Hiện nay, ở nhiều khu công nghiệp, công nhân có thu nhập thấp nếu học ở trường công thì học phí trung bình ở bậc học mầm non là 900.000-1,1 triệu đồng/tháng. Những cơ sở mầm non tư thục được thành lập bởi những cá nhân đã gắn bó với ngành giáo dục, làm bằng tấm lòng là chính thì học phí cao hơn một chút. Nhưng những trường tư thục được đầu tư để kinh doanh thì học phí cao hơn nhiều trong khi thu nhập công nhân còn thấp. Vì vậy, ngoài việc lập trường công thì rất cần mô hình chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư một phần địa điểm, đất đai để các trường mầm non tư thục có thể giảm học phí”, Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Đối với tình trạng bạo hành trẻ em trong một số cơ sở giáo dục, trong đó có bậc học mầm non, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục. Không thể vì một số cá nhân đấy mà ảnh hưởng đến ngành giáo dục.
Đẩy mạnh hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh
Trao đổi với đại biểu Quốc hội về câu chuyện 200.000 cử nhân đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho thấy tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng có việc làm không phù hợp hoặc không tìm được việc làm, muốn tìm việc làm mới khoảng trên 4%, mức trung bình ở các nước là khoảng 7%.
“Đây là điều bình thường cho nên chúng ta không thể yêu cầu cứ đọc học đại học trở lên là phải có việc 100 %. Việc tỷ lệ người học đại học, cao đẳng ở tất cả các ngành không tìm được việc làm cũng là điều bình thường ở trên thế giới và sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng đẩy mạnh hướng nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục đại học là giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng này.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thực hiện hướng nghiệp ngay sau khi học sinh học hết bậc THCS để phân làm 2 luồng sang học nghề và học tiếp lên THPT; tốt nghiệp THPT lại phân làm 2 luồng sang học nghề và học đại học, cao đẳng.
“Học xong THCS sau đó đi học nghề không có nghĩa trong quá trình đó học sinh không được học văn hoá nhưng các em sẽ được dạy theo cách của những người làm nghề”, Phó Thủ tướng giải thích thêm.
Đối với giáo dục đại học, để nâng cao chất lượng đào tạo trước hết cần đẩy mạnh tự chủ, tăng cường kiểm định, xếp hạng đại học. Đồng thời Bộ GD&ĐT thực hiện phân tích và công khai kết quả đối với công tác tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm của các trường đại học để có định hướng cho các em học sinh học những ngành nghề có tương lai việc làm tốt hơn.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát, yêu cầu các trường đại học công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng kể từ năm 2016 đến đợt tuyển sinh năm 2017. Cụ thể năm 2017, đối với nhóm trường có điểm xét tuyển đầu vào trên 27 điểm thì tỷ lệ sinh viên ra trường sau 12 tháng có việc làm là 96%; nhóm trường từ 24-27 điểm là 92%; nhóm trường từ 20-24 điểm là 84%; nhóm trường từ điểm sàn đến 20 điểm là 89%. Tuy nhiên có tới 19% sinh viên ra trường có việc làm chưa phù hợp, đúng trình độ, chuyên ngành được đào tạo.
Đáng lưu ý, trong số các nhóm ngành đào tạo thì nhóm khoa học giáo dục và giáo viên có tỷ lệ ra trường nhưng không tìm được việc làm là 19%; nhóm dịch vụ xã hội 19%; nhóm môi trường 17%; nhóm pháp luật 17%; nhóm văn hoá-thể thao 16%.
Đây là nguồn thông tin tham khảo rất quan trọng đối với các cháu học sinh chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển vào đại học cao, đẳng năm nay.
Những kết quả bước đầu từ tự chủ đại học
Liên quan đến những câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chất lượng giáo dục của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết giáo dục phổ thông của Việt Nam được quốc tế xếp hạng dưới 50 trên thế giới, là một trong hai chỉ số rất tốt so với mặt bằng chung về kinh tế-xã hội ở Việt Nam, chỉ số còn lại là đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, giáo dục đại học, ở Việt Nam hiện đứng thứ 80-90, tương ứng với trình độ phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng nhận xét: Trong 3 năm qua Chính phủ đã chỉ đạo ngành giáo dục, các bộ ngành, địa phương quyết tâm đẩy mạnh tự chủ đại học, đặt ra các chương trình quyết định về đổi mới giáo dục đại học để đạt mục tiêu đến năm 2018 có ít nhất 1 trường đại học của Việt Nam nằm trong tốp 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới.
Đồng thời từng bước cải thiện các chỉ số về nghiên cứu khoa học nhằm khắc phục tình trạng một giảng viên đại học ở châu Á trong giai đoạn 2011-2015 công bố 4,5 bài báo khoa học trên các tạp chí SCOPUS (gồm 20.000 tạp chí khoa học hàng đầu) trong khi ở Việt Nam chỉ số này là 0,14. Đến nay, trong 10 đơn vị có số lượng công bố khoa học nhiều nhất ở Việt Nam, trong 3 năm qua, trên các tạp chí khoa học ISI (gồm 14.000 tạp chí khoa học hàng đầu) thì Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ là 2.396 bài; Đại học Tôn Đức Thắng 1.546 bài; Đại học Quốc gia TPHCM 1.373 bài, Đại học quốc gia Hà Nội 1.234 bài; Đại học Bách Khoa Hà Nội 1.075 và Đại học Duy Tân là 778 bài.
“Điều đó có thể thấy sau ba năm thực hiện tự chủ, giáo dục đại học đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đây là điểm các nhà khoa học và các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ GD&ĐT”.
Thủ tướng không phải ra chỉ thị riêng về kỳ thi THPT quốc gia
Về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018, Phó Thủ tướng nhấn mạnh qua 3 năm đổi mới đến nay kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá tốt, hướng tới cơ bản ổn định, chỉ còn cải tiến khâu ra đề và vi chỉnh một số việc.
“Năm nay, Thủ tướng không phải ra một chỉ thị riêng về kỳ thi THPT quốc gia nhưng không có nghĩa công tác chuẩn bị kỳ thi như mọi năm không được tăng cường. Vì vậy, các địa phương cần phải tiếp tục để làm thật tốt, tổ chức kỳ thi được thành công”.
Thời cơ sửa luật để đổi mới giáo dục mạnh mẽ hơn
Kết thúc phần phát biểu, Phó Thủ tướng nêu lại “câu hỏi rất hóc búa của một đại biểu về việc đánh giá đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 có lộ trình bao nhiêu năm, có tiếp tục đổi mới không, giáo dục Việt Nam đứng ở đâu”. Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng nêu 8 việc cần là trong đổi mới giáo dục, đào tạo: Đổi mới hệ thống giáo dục; khung trình độ giáo dục quốc gia; chương trình, sách giáo khoa; phương pháp giảng dạy gắn với giáo viên; phương pháp kiểm định và đánh giá thi cử; cơ sở vật chất; quản lý nhà nước; quản trị các trường, cơ sở giáo dục. Mức độ đánh giá đổi mới đến đâu trước hết là phải sửa luật, sau đó là các chương trình, đề án và làm rất nhiều công việc cụ thể.
Đến giờ phút này, chúng ta đã ban hành được hệ thống giáo dục; khung trình độ giáo dục quốc gia; đang xây dựng chương trình sách giáo khoa; đổi mới một bước công tác kiểm định; tự chủ đại học và tới đây là quản trị trong các trường phổ thông. Đặc biệt quan trọng là chúng ta đang chuẩn bị sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Kiến nghị việc sửa 2 luật không nên giới hạn chỉ sửa một số ít điểm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời cơ để sửa luật nhằm đáp ứng được yêu cầu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.
“Trong nhiều yêu cầu thì có 3 yêu cầu đáng chú ý phải sửa bằng luật. Trước hết phải khắc phục cho bằng được điểm yếu cố hữu của giáo dục từ phổ thông đến đại học là nặng về nhồi nhét kiến thức và không khuyến khích sáng tạo cá nhân ở cả học sinh lẫn giáo viên. Hệ thống giáo dục không liên thông theo mô hình giáo dục suốt đời học tập suốt đời dẫn đến câu chuyện chạy theo bằng cấp. Trong các cơ sở giáo dục đang nặng về chỉ đạo hành chính, không khuyến khích tự chủ trong các trường đại học và không phát huy dân chủ trong các trường phổ thông. Hiện nay, quản lý các trường phổ thông vẫn nặng về mệnh lệnh, hành chính chủ yếu là cấp quận, cấp phường cùng với ban giám hiệu chỉ đạo mà thiếu các thành phần cơ bản là tập thể giáo viên, tập thể học sinh, phụ huynh, cộng đồng”.