Hội nghị là nơi giúp các doanh nghiệp kết nối, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng như đưa ra những giải pháp, đề xuất.
Theo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước khoảng 11 triệu tấn các loại, trong đó, phân vô cơ chiếm khoảng 90%; phân hữu cơ và phân bón khác chiếm 10%. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm Việt Nam sử dụng trung bình 100.000 tấn với chi phí khoảng 700 triệu USD.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị ngày 27/7. (Ảnh: Phong Nhi) |
Hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, hữu cơ, đáp ứng gần 80% nhu cầu về phân bón của cả nước. Trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, có hơn 200 doanh nghiệp với 100 nhà máy chế biến cùng khoảng 30.000 đại lý thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang là yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo nghiên cứu, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng quyết định tới năng suất, chất lượng cây trồng và tác động mạnh mẽ tới những yếu tố cơ bản của đời sống con người trên phạm vi toàn cầu.
Ông Ngọc cho rằng, vấn đề không chỉ là hiệu quả kinh tế dù chi phí phân bón chiếm tới gần 50% tổng giá thành của sản phẩm trồng trọt mà còn là chất lượng của nông sản phẩm. Hơn nữa, còn liên quan đến vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường vì hầu hết phân vô cơ (trừ đạm) đều được sản xuất từ các nguyên liệu hoá thạch, không tái tạo.
Sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón ở Việt Nam còn nhiều thách thức mới phát sinh trong quá trình hướng đến phát triển sản xuất bền vững, sản xuất sạch an toàn trước diễn biến của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng phân bón chưa cao tại Việt Nam chưa cao khi hiệu suất sử dụng chỉ đạt trung bình từ 45 – 50% với phân đạm, 25 – 35% với lân và khoảng 60% với kali.
“Nếu tính chung hiệu suất sử dụng phân hóa học là 50% thì chúng ta lãng phí tương đương 2 tỷ USD/năm. Đó là chưa kể, lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây trồng còn làm tăng nguy cơ dịch bệnh và hậu quả là chúng ta phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn và năm sau lại cao hơn năm trước. Lãng phí phân bón còn làm giảm chất lượng nông sản, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng khí thải nhà kính, đặc biệt từ phân đạm, phân hữu cơ và đất rơm rạ", ông Ngọc cho hay.
Hiệu suất sử dụng phân bón chưa cao tại Việt Nam chưa cao. (Nguồn: VTV) |
Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, cần nghiên cứu và áp dụng các loại phân bón phù hợp, phân bón mới, phân bón chức năng (như áp dụng công nghệ nano; phân bón nhả chậm…); nghiên cứu quy trình phân bón hợp lý; hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón 5 đúng và 1 cần; thường xuyên đào tạo và tập huấn cho nông dân.
Với thuốc bảo vệ thực vật, cần nghiên cứu và áp dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị cho từng loại đối tượng gây hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học và thảo mộc để hạn chế tác hại của thuốc đến môi trường, cây trồng, sinh vật và con người. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).