Hội thảo do Công ty CP Solar Electric Việt Nam (SEV) và Công ty TNHH ABB (ABB) đồng tổ chức, diễn ra với mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, trong đó việc áp dụng các giải pháp công nghệ năng lượng Mặt trời (NLMT) đang được xem là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay.
Tới dự có các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương, các nhà hoạch định chính sách, lập quy hoạch, tư vấn, đầu tư, phát triển NLMT và điện năng, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo...
Tại đây, các chuyên gia đã cùng trao đổi, thảo luận các giải pháp công nghệ NLMT tiên tiến hiện nay với mục tiêu hiện thực hóa các dự án điện Mặt trời tại Việt Nam, hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững.
Các chuyên gia cùng trao đổi những quan điểm và kinh nghiệm xung quanh vấn đề phát triển NLMT tại Việt Nam. (Ảnh: YN) |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Jiri Dusik (chuyên gia đến từ Cộng hòa Czech) nhận định, Việt Nam là quốc gia đang phát triển rất nhanh trong mọi lĩnh vực. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, sức ép về môi trường tăng lên trong thời gian gần đây khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức.Nếu Việt Nam không có biện pháp thay đổi nhanh chóng và kịp thời sẽ để lại hậu quả lớn trong tương lai.
Theo ông Jiri Dusik , chất lượng không khí ở Hà Nội trong một số ngày có mức độ ô nhiễm đã vượt mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép. Từ thực trạng đó, vấn đề quản lý tro bụi từ các nhà máy ở khu vực xung quanh vẫn còn nhiều tồn tại, đã gây ra nhiều áp lực cho môi trường hiện nay.
“Tôi cho rằng, việc phát triển NLMT cho tăng trưởng xanh tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân. Đây cũng là xu hướng chung trên toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam” – ông Jiri Dusik nói.
Ông Jiri Dusik cũng cho rằng, trong thời gian tới, điện tái tạo sẽ là nguồn năng lượng rẻ nhất ở hầu hết các quốc gia. Liên hợp quốc cũng đang có nhiều nỗ lực để phát triển loại hình năng lượng này.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến (Chủ tịch hội đồng khoa học – Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam) cho biết, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới nên có tiềm năng NLMT khá cao. Mật độ NLMT trung bình khoảng 4,6 kWh/m2 ngày với số ngày nắng trung bình khoảng 2000 giờ/năm. Mật độ NLMT tăng dần theo chiều Bắc – Nam.
Theo Tiến sĩ Hiến, việc phát triển loại năng lượng này còn hạn chế. Tính đến cuối năm 2017 cả nước mới chỉ có khoảng 10 MWp NLMT, tập trung chủ yếu là roof-top. Thực tế, ở Việt Nam chưa có quy hoạch điện Mặt trời lại các tỉnh và trên cả nước. Đến nay, tại Việt Nam có hơn 100 dự án Solar đăng kí phát triển tại các tỉnh với dung lượng khoảng 17.000 MWp, tập trung chủ yếu ở phía Nam.
Mô hình Năng lượng Mặt trời tại hội thảo. (Ảnh: YN) |
Nói về rào cản phát triển NLMT tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến cho rằng có ba nguyên nhân chính (kỹ thuật, thể chế và kinh tế): Về kỹ thuật, Việt Nam vẫn còn thiếu năng lực phát triển dự án, cơ sở hạ tầng yếu kém và việc đấu nối vào lưới điện quốc gia khá phức tạp; Về thể chế, Việt Nam chưa có quy hoạch quốc gia cho NLMT; Cuối cùng, về mặt kinh tế, để phát triển NLMT đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn. Trong khi đó, Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến cho biết: "Việt Nam cần sớm triển khai lập quy hoạch phát triển NLMT trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại các địa phương có tiềm năng. Thứ hai là tiến hành đồng thời phát triển các dự án NLMT nối lưới trên mặt đất với lắp đặt trên mái nhà. Thứ ba là thành lập một Quỹ hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo nói chung nhằm hỗ trợ, trợ giá hơn nữa cho phát triển năng lượng tái tạo để hấp dẫn các nhà đầu tư".