📞

Năng lượng tái tạo: “Vũ khí” chống biến đổi khí hậu

12:07 | 29/11/2015
Nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều nước đã tìm đến các nguồn năng lượng tái tạo khi các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày một cạn kiệt.
Những cánh đồng tuabin gió tại Ethiopia.

Trong thời đại năng lượng ngày một hiếm hoi, việc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo chính là hướng đi giải quyết khó khăn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Giải pháp giảm tổn thất

Năng lượng tái tạo có từ các nguồn tài nguyên được bổ sung liên tục và không thể cạn kiệt, như năng lượng mặt trời, thủy điện, gió, địa nhiệt, đại dương và sinh học. Chúng được xem như nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm không khí, không làm tăng thêm sự nóng lên của khí hậu toàn cầu hay hiệu ứng nhà kính.

Việc sử dụng năng lượng tái tạo là vô cùng cần thiết trước thực tế biến đổi khí hậu trên toàn cầu như hiện nay. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhiệt độ bề mặt của Trái Đất đã tăng trung bình 0,85 độ C kể từ năm 1880 và dự báo sẽ tăng 0,3-4,8 độ C từ nay cho đến năm 2100.

Cơ quan giám sát Đại dương và Khí quyển (NOAA) cho biết, năm 2015 đã trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Tại Đức, kỷ lục nhiệt độ đã được ghi nhận vào ngày 5/7: 40,3 độ C. Đây là đợt nắng nóng kỷ lục trong vòng ba thập niên qua với nền nhiệt cao hơn 5 độ C so với nền nhiệt trung bình. Thành phố Hyderabad ở miền Nam Ấn Độ hàng năm chỉ có năm ngày nắng nóng, tuy nhiên, trong tương lai, dự kiến số ngày nắng nóng sẽ lên tới 40 ngày.

Đây có thể coi là hồi chuông báo động về vấn đề nóng lên toàn cầu trên thế giới. Dù đã được dự báo về một Trái đất có diễn biến khí hậu bất thường hơn cùng với sự ấm lên toàn cầu, nhân loại dường như vẫn ngỡ ngàng trước những tổn thất đang phải gánh chịu.

Chiến lược từ quá khứ...

Không chịu đầu hàng trước thách thức trên, từ rất lâu, các nước đã khởi động nhiều biện pháp phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng truyền thống.

Năm 1966, Pháp đã xây dựng nhà máy điện thủy triều đầu tiên trên thế giới có quy mô công nghiệp với công suất 240 MW, sản xuất 640 triệu kWh hàng năm, cung cấp 90% điện cho vùng Brithany. Đến nay, đây vẫn là một trong những nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới.

Ở quy mô nhỏ hơn, Canada đã vận hành một nhà máy 20 MW từ năm 1984, sản xuất 30 triệu kW điện hàng năm. Trung Quốc bắt đầu quan tâm sử dụng năng lượng thủy triều từ năm 1958, xây dựng 40 trạm thủy triều mini (tổng công suất 12 kW).

Châu Phi rất thành công trong quá trình xây dựng cánh đồng tua bin gió ở vùng Hạ Sahara tại Ethiopia năm 2009. Cánh đồng gió gồm hệ thống 84 tuabin công nghệ cao, công suất 120MW và sản xuất khoảng 400 triệu KWh điện mỗi năm.

... cho tới hiện tại

Trước báo động về tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng, vài năm trở lại đây, các quốc gia đã thực hiện nhiều công trình năng lượng tái tạo với quy mô lớn.

Cụ thể, Mỹ đang phát triển thiết bị khai thác năng lượng sóng biển tương tự như cánh quạt máy bay hay các thanh tuabin gió. Theo thiết kế, thiết bị khai thác năng lượng sóng biển sẽ đặt dưới bề mặt nước biển sâu dưới 300m, có công suất 200 KW. Nhà máy điện khai thác năng lượng sóng biển đầu tiên này mở ra triển vọng cung cấp năng lượng sạch cho 50% dân số Mỹ sinh sống tại các đô thị ven biển.

Không chỉ thế, Chính phủ Thụy Điển vừa công bố đầu tư số tiền 546 triệu USD vào năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu trong ngân sách năm 2016. Đất nước Bắc Âu từng thông báo sẽ đưa Stockholm trở thành thành phố nói "không" với nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. "Chúng ta có thể thành công trong việc tạo ra một cuộc cách mạng xanh thực sự, nếu dần dần tránh xa khỏi nguồn nhiên liệu hóa thạch vốn được chỉ rõ là nguyên nhân thay đổi khí hậu trong nhiều năm qua", Thủ tướng Stefan Lofven nói.

Indonesia cũng có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, đất nước nghìn đảo có dự trữ lớn về năng lượng địa nhiệt (chiếm tới 40% dự trữ của thế giới). Với việc chuyển hướng phát triển sang xây dựng một nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, Chính phủ nước này đang khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, với mục tiêu nâng tỷ trọng lên 17% tổng sản lượng điện năng vào năm 2025.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) khẳng định, năng lượng tái tạo trong tương lai, chắc chắn sẽ thay thế khí đốt tự nhiên, trở thành nguồn tạo ra điện nhiều thứ hai thế giới sau than đá, vào năm 2016.

Lan Tiêu (theo The Guardian)