Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ, các nước đồng minh ủng cố căn cứ của họ ở biển Baltic và Địa Trung Hải, cũng như các căn cứ không quân. (Nguồn: Anadolu) |
Phát biểu kết thúc ngày nhóm họp đầu tiên của ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô Bucharest của Romania ngày 29/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Vào ngày chiến dịch quân sự đặc biệt (của Nga tại Ukraine) bắt đầu, chúng tôi đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ và quyết định gia tăng hơn nữa sự hiện diện của mình".
Tổng thư ký NATO cũng nêu rõ, các nước đồng minh củng cố căn cứ của họ ở biển Baltic và Địa Trung Hải, cũng như các căn cứ không quân.
Theo ông Stoltenberg, Bộ chỉ huy quân sự của NATO có thể điều động thêm lực lượng bổ sung cho sườn phía Đông trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, phía Nga đã nhiều lần phản đối chủ trương đối đầu của NATO. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov từng cảnh báo việc mở rộng hơn nữa khối này sẽ không mang lại an ninh vững mạnh hơn cho châu Âu.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, nước này vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại nhưng chỉ trên cơ sở bình đẳng, mà trong đó phương Tây phải từ bỏ chính sách quân sự hóa lục địa của họ. Điện Kremlin tuyên bố, Moscow không gây ra các mối đe dọa, nhưng sẽ không bỏ qua những hành động đe dọa lợi ích của đất nước.
Cùng ngày, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết, Washington đang cải thiện tổ hợp công nghiệp - quân sự của nước này thông qua các gói viện trợ dành cho Kiev.
Qua đó, bà Hicks nhấn mạnh, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Ukraine mà còn có lợi cho chính “nước Mỹ trong các cuộc khủng hoảng tương lai”.
Theo quan chức Lầu Năm Góc, Washington phân tích thường xuyên tác động của việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev nhằm ngăn ngừa sự cạn kiệt kho vũ khí dành cho quân đội Mỹ.
Đồng thời, bà Hicks cũng ghi nhận "chất lượng cao của các tổ hợp công nghiệp quân sự" Mỹ và chỉ ra sự phối hợp chặt chẽ đang được triển khai giữa các đối tác trong ngành công nghiệp quân sự nước này, cũng như với các đồng minh và đối tác trên thế giới.
Trước đó, Trợ lý phụ trách mua sắm, hậu cần và công nghệ của Bộ trưởng Lục quân Mỹ Douglas Bush cho biết, Bộ chỉ huy Lục quân nước này đang đẩy nhanh quá trình mua vũ khí cần thiết để bổ sung cho kho vũ khí đã cạn kiệt do cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tổng cộng, kể từ tháng 2/2022, Washington đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá 17,9 tỷ USD cho Kiev.