Ngày 18/5, gần 3 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, hai nước Bắc Âu gồm Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO, từ bỏ hàng thập kỷ trung lập.
Thủ tục kết nạp 2 nước này đã được hầu hết các quốc gia thành viên NATO phê chuẩn, trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tại họp báo ở Brussels, Bỉ, ngày 5/7. (Nguồn: Reuters) |
Hồi cuối tháng 10, truyền thông đưa tin Phần Lan có dự thảo luật về việc cho phép NATO triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này. Đầu tuần qua, lãnh đạo quân đội Thụy Điển cũng cho biết, Stockholm cũng sẽ cân nhắc có hay không việc cho phép triển khai vũ khí hạt nhân hoặc các căn cứ của NATO tại nước này.
Về phần Thụy Điển, tân Thủ tướng nước này Ulf Kristersson, ngày 1/11, cho biết, ông để ngỏ khả năng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ, một khi nước này trở thành thành viên NATO - một sự thay đổi so với lập trường của chính phủ trước đây.
Lúc đó, khi được hỏi liệu Phần Lan và Thuỵ Điển có cho phép đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ hai nước này hay không, Thủ tướng Phần Lan Marin nói: "Chúng tôi không nên đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào... Chúng tôi đã quyết định không đóng bất kỳ cánh cửa nào cho tương lai". Thủ tướng Thuỵ Điển Kristersson cũng nhất trí với quan điểm này. Theo ông, việc Thụy Điển và Phần Lan cùng hành động trong những vấn đề này là điều rất tự nhiên, và sẽ cùng hợp tác trong vấn đề này. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận vấn đề trên có thể được đàm phán sau.
Trong khi đó, nhận định về khả Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, ngày 5/11, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng "khả năng là thấp", song NATO đang xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc vì hậu quả của một cuộc tấn công như vậy sẽ rất tàn khốc.
Phát biểu với đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Stoltenberg cũng cho rằng, quan điểm của Nga về sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn không thay đổi. NATO muốn làm rõ rằng sẽ không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow chưa bao giờ "chủ động" đề cập đến bất cứ điều gì liên quan việc sử dụng vũ khí hạt nhân, lưu ý rằng, những suy đoán về điều được cho là mối đe dọa hạt nhân của Moscow đã được phương Tây sử dụng để tác động đến các nước có thái độ thân thiện hơn với Nga.