Trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh Afghanistan và Taliban, nhiều gia đình phải rời bỏ nhà cửa, sống tạm bợ ở ngoài trời. Hình ảnh chụp tại một công viên ở Kabul ngày 10/8. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố đình chỉ mọi hỗ trợ dành cho chính phủ Afghanistan.
Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh, mục đích của NATO ở Afghanistan là để giúp xây dựng một nhà nước hữu hiệu, chứ không phải để duy trì sự hiện diện thường trực, do đó, sự sụp đổ của chính phủ trước lực lượng Taliban sau 20 năm là một bi kịch.
Theo ông, NATO sẽ yêu cầu các nhà cầm quyền mới của quốc gia Tây Nam Á này phải có trách nhiệm tôn trọng các quyền của con người, trong đó có quyền của phụ nữ.
Trong khi đó, hãng tin Đức DPA dẫn lời Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Gerd Muller thông báo, chính phủ nước này đình chỉ viện trợ kinh tế cho Afghanistan.
Tại Phần Lan, Bộ trưởng Hợp tác phát triển Ville Skinnari tuyên bố sẽ dừng viện trợ phát triển cho đối tác hợp tác phát triển lớn nhất là Afghanistan.
Ông Skinnari nêu rõ: "Chúng tôi phải xem xét tình hình sẽ diễn biến ra sao. Điều này có nghĩa là Phần Lan sẽ không bỏ rơi người dân, trẻ em, phụ nữ, đàn ông, nhà báo, bác sĩ, những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền ở Afghanistan".
Theo quan chức này, mục tiêu của Phần Lan cùng các đối tác quốc tế là "bảo vệ điều mà chúng tôi đã đạt được. Phần Lan mong muốn các đối tác tôn trọng nhân quyền".
Thành viên của Liên minh châu Âu (EU) này cho biết, công tác hỗ trợ cho viện trợ nhân đạo, hoạt động của các tổ chức quốc tế và rà phá bom mìn tại Afghanistan lên tới khoảng 30 triệu Euro (35 triệu USD) một năm.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng ngày thông báo vẫn đang vận chuyển viện trợ tới phần lớn các khu vực của Afghanistan, đồng thời tổ chức các cuộc họp ban đầu với các đại diện mới của Taliban tại những thành phố vừa rơi vào tay lực lượng này.