📞

‘Né’ đòn trừng phạt, các ‘đại gia’ công nghệ Trung Quốc sẽ hái quả ngọt ở 'nước cờ' mang tên Singapore?

Hoàng Nam 15:31 | 06/04/2021
Những căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ, Ấn Độ hay Liên minh châu Âu (EU) đã khiến các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc chọn Singapore là bến đỗ mới. Liệu họ sẽ "xuôi chèo mát mái" ở nơi được cho là "miền đất hứa" này?

Nhiều "ông lớn" công nghệ của Trung Quốc đang mở rộng hoạt động tại Singapore trong bối cảnh đang phải đối mặt với sự thắt chặt kiểm soát trong nước và áp lực gia tăng ở các thị trường chủ chốt khác. Tuy nhiên, các công ty này có thể gặp khó trong việc tìm kiếm nhân tài ở "đảo quốc sư tử".

Tencent là tập đoàn công nghệ mới nhất của Trung Quốc thâm nhập thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng với 650 triệu dân, và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh. (Nguồn: Dailysabah)

Lợi thế của Singapore

Trong một tuyên bố hồi năm ngoái, Tencent khẳng định sẽ tăng cường hiện diện ở Singapore nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh đang ngày một lớn mạnh ở Đông Nam Á. Tập đoàn này, vốn đã có trụ sở ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia, cũng cho biết sẽ tuyển dụng nhân viên vào nhiều vị trí khác nhau.

Tencent là tập đoàn công nghệ mới nhất của Trung Quốc thâm nhập thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng, với 650 triệu dân, và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh. Điều này giống với những gì mà hai hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Alibaba và ByteDance đang thực hiện.

Các công ty công nghệ của Trung Quốc đang chuyển trọng tâm sang các thị trường đang bùng nổ ở Đông Nam Á, trong bối cảnh giới chức nước này đang thắt chặt quy định đối với lĩnh vực công nghệ trước những lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của nhiều nền tảng công nghệ.

Trong khi đó, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh sau khi nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc gặp khó khăn trong hoạt động tại Mỹ dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến nước Mỹ trở thành một điểm đến không mấy hấp dẫn.

Không những thế, ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty IHS Markit, cho biết, các công ty công nghệ của Trung Quốc đang đối mặt với các lệnh trừng phạt và nhiều áp lực về mặt quy định từ chính phủ nhiều nước, đáng chú ý nhất là ở Mỹ, nhưng còn ở cả nhiều nước khác.

Ấn Độ đã cấm một loạt ứng dụng của Trung Quốc kể từ mâu thuẫn liên quan đến vấn đề biên giới giữa hai nước hồi năm ngoái, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và nhiều cường quốc phương Tây khác gần đây cũng đã ban hành các lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề tôn giáo.

Bên cạnh đó, tình trạng bất ổn kéo dài ở Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã làm giảm phần nào sức hấp dẫn của đặc khu hành chính này.

Trong khi đó, Singapore, một trung tâm tài chính thịnh vượng, đang duy trì mối quan hệ tốt với cả Bắc Kinh và phương Tây, và các công ty công nghệ xem đây là một "nước cờ" an toàn để mở rộng hoạt động mà không làm mất lòng bên nào.

Giáo sư Chen Guoli, chuyên gia về chiến lược của trường kinh doanh INSEAD ở Singapore, nhấn mạnh trong môi trường đầy bất ổn địa chính trị như hiện tại, Singapore được xem là một quốc gia trung lập hơn.

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sẽ được hoan nghênh tại Singapore, nơi mà nền kinh tế đã bị thiệt hại nghiêm trọng do dịch Covid-19 và là nước đang xây dựng trở thành một trung tâm công nghệ.

Singapore đã là điểm đến của nhiều "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ như Facebook, Google và Twitter.

Có thực sự là "miền đất hứa"?

ByteDance - chủ sở hữu ứng dụng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok - hồi năm ngoái cho biết sẽ chuyển hoạt động từ một văn phòng dùng chung sang các văn phòng lớn hơn nhiều ở cao ốc văn phòng One Raffles Quay, thuộc khu trung tâm thương mại của Singapore. Đồng thời cũng chuẩn bị tuyển dụng thêm nhân sự ở đảo quốc sư tử khi ứng dụng TikTok ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á.

Ông Ajay Thalluri, chuyên gia phân tích của công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, cho biết, trong giai đoạn từ tháng 9/2020-2/2021, 1/3 số vị trí việc làm được đăng tuyển dụng của ByteDance là ở Singapore, tức gấp hơn 2 lần số tin tuyển dụng mà tập đoàn này đăng ở Trung Quốc.

Trong một thương vụ gây sự chú ý hơn cả, đầu tháng 5/2020, Alibaba đã mua 50% số cổ phần của cao ốc AXA Tower cao 50 tầng tọa lạc ở khu trung tâm thương mại của Singapore được định giá 1,2 tỷ USD. Đây là thương vụ bất động sản thương mại lớn nhất ở Singapore kể từ năm 2017.

Động thái nói trên cũng đánh dấu thương vụ mua bất động sản quốc tế lớn đầu tiên của Alibaba và cao ốc AXA Tower sẽ trở thành trụ sở chính của Alibaba bên ngoài Trung Quốc. AXA Tower vốn là nơi đặt trụ sở của Lazada, nền tảng thương mại điện tử của Alibaba ở Đông Nam Á.

Một công ty liên kết của Alibaba là "ông lớn" công nghệ tài chính Ant Group đã có được giấy phép vận hành một ngân hàng điện tử tại Singapore.

"Gã khổng lồ" thương mại điện tử đã chịu áp lực nặng nề tại Trung Quốc, khi giới chức nước này hồi tháng 11 năm ngoái đã đình chỉ kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group, giữa những lo ngại gia tăng về rủi ro đối với sự ổn định tài chính.

Một thách thức lớn đối với các công ty trong việc mở rộng hoạt động ở Singapore là tìm kiếm nhân tài có kỹ năng phù hợp. (Nguồn: The Business Times)

Hành động bất ngờ này của Bắc Kinh đã cản trở đợt IPO được đánh giá là lớn nhất thế giới, với giá trị huy động ước đạt 37 tỷ USD và giáng một đòn mạnh vào công ty công nghệ tài chính do tỷ phú Jack Ma sáng lập.

Với các kế hoạch mở rộng tại Singapore được công bố hồi tháng 9 năm ngoái, ByteDance và Tencent cho biết, họ chủ yếu muốn tập trung phát triển hoạt động tại Đông Nam Á, một khu vực đang bùng nổ với 650 triệu dân, hơn là tránh căng thẳng ở những nơi khác.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, bằng cách gia tăng sự hiện diện ở Singapore, các "đại gia" này đang phòng trừ rủi ro trong trường hợp căng thẳng với phương Tây trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo Giáo sư Chen của INSEAD, các công ty Trung Quốc cần một "kế hoạch B" phòng trường hợp họ phải chia tách hoạt động của mình tại Trung Quốc và trên toàn cầu. Và trong trường hợp đó, Singapore có thể trở thành trung tâm quốc tế của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên, một thách thức lớn trong việc mở rộng hoạt động ở đảo quốc chỉ có 5,7 triệu dân này là tìm kiếm nhân tài có kỹ năng phù hợp.

Daljit Sall, Giám đốc cấp cao phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin tại văn phòng Singapore của công ty tuyển dụng toàn cầu Randstad, nhận định công nghệ đang phát triển ở tốc độ vượt xa khả năng cung ứng nhân tài.

Singapore đang nỗ lực thu hút nhân tài từ nước ngoài, dù có thể gây ra ít nhiều sự bất ổn cho quốc gia này, nơi vốn đã có nhiều lo ngại về tình hình dân số ngoại quốc lớn, trong khi các trường học cũng đang đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, ông Sall cho rằng, trước mắt vẫn phải cấp bách giải quyết sự thiếu hụt nhân lực này.

(theo Dailysabah)