📞

Né lệnh trừng phạt Nga, không muốn bị Mỹ áp luật chơi, nhiều quốc gia quay lưng với USD, NDT Trung Quốc có thể là ‘bức tường thành’?

Hải An 09:06 | 17/05/2023
Gần đây, nhiều khách hàng sẵn sàng thanh toán các hóa đơn bằng đồng Nhân dân tệ, bởi lý do khủng hoảng kinh tế, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc và mối lo ngại về việc Mỹ vũ khí hóa USD.
Các quốc gia muốn giao dịch với Nga bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây đang ngày càng xem đồng NDT của Trung Quốc như một sự thay thế cho USD. (Nguồn: Reuters)

Nhân dân tệ gặp may?

Newsan, một trong những nhà bán lẻ thiết bị gia dụng lớn nhất của Argentina, nhập khẩu hầu hết các sản phẩm từ Trung Quốc. Cho đến hiện nay, họ vẫn thanh toán hóa đơn mua tủ lạnh, TV và các bộ phận bằng USD.

Nhưng vào tháng trước, như một phần trong nỗ lực giảm bớt áp lực lên nền kinh tế thiếu đồng bạc xanh của Argentina, Newsan chuyển sang thanh toán các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.

Ông Luis Galli, giám đốc điều hành của Newsan cho biết: “Đồng NDT ngày càng trở nên phù hợp với tư cách là tiền tệ cho thương mại quốc tế”.

Nền kinh tế Argentina - một lần nữa - đang gặp khủng hoảng. Hạn hán đã gây ảnh hưởng tới ngành nông sản xuất khẩu quan trọng, đẩy nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với lạm phát tăng vọt, đến bờ vực suy thoái.

Do nguồn cung USD của Argentina đang giảm dần, tháng 4/2023, chính phủ tuyên bố sẽ thanh toán cho hàng nhập khẩu trị giá 1 tỷ USD từ Trung Quốc bằng NDT - và cho lượng hàng nhập khẩu trị giá 790 triệu USD mỗi tháng sau đó.

Động thái trên cũng kích hoạt một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, giúp các công ty có thể vay NDT từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Argentina.

Thỏa thuận là một tin tích cực đối với Bắc Kinh, vốn từ lâu đã muốn đồng tiền của mình được sử dụng rộng rãi hơn và được hưởng một số quyền lực và uy tín mà Mỹ có được nhờ sự thống trị toàn cầu của đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, Trung Quốc không gặp nhiều may mắn, cho đến gần đây. Đột nhiên, nhiều khách hàng sẵn sàng thanh toán các hóa đơn bằng đồng NDT, do các cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, vị thế là người cho vay chính của Bắc Kinh và mối lo ngại ngày càng tăng về việc phải tuân theo sự áp đặt của Washington.

Tại Buenos Aires, các nhà nhập khẩu đã chấp nhận sự thay đổi. Ông Rubén Guidoni, một nhà môi giới hải quan cho biết: “Hiện tại, mọi người đang lao vào mua hàng bằng đồng NDT. Thật khó để tìm được những đơn hàng thanh toán bằng USD”.

Các nhà nhập khẩu ở Argentina phải gửi đơn đặt hàng, hầu như mặc định bằng USD, để chính phủ phê duyệt. Nhưng với nguồn cung USD thiếu hụt hiện nay, việc nhận được sự chấp thuận từ giới chức gần như là không thể, khiến một số ngành gần như rơi vào bế tắc.

Trong bối cảnh đó, các đơn đặt hàng bằng NDT đang nhanh chóng được bật đèn xanh. Bà Alejandra Conconi, Giám đốc điều hành Phòng Sản xuất, công nghiệp và thương mại Argentina-Trung Quốc, cho biết, các công ty Argentina hiện đang sử dụng đồng NDT để thanh toán hơn một nửa số máy tính, hàng dệt may, điện thoại di động và phụ tùng xe máy nhập khẩu từ quốc gia Đông Bắc Á.

Về phần mình, hằng tuần, Newsan vẫn thực hiện các đơn đặt hàng bằng đồng NDT.

Tháng 4/2023, chính phủ Brazil tuyên bố các công ty có thể thanh toán giao dịch bằng đồng NDT. Trước đó, vào tháng 3, một công ty Pháp đã chấp nhận thanh toán bằng NDT cho 65.000 tấn khí tự nhiên hóa lỏng. Vài tuần trước đó, nội tệ Trung Quốc đã trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Moscow.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc, không có dấu hiệu nào cho thấy NDT sẽ sớm soán ngôi USD. Để làm được điều này, cần nhiều quốc gia thanh toán cho nhau bằng NDT hơn nữa, ngay cả đối với các giao dịch thương mại không liên quan đến Trung Quốc - điều này có vẻ còn xa vời.

Việc sử dụng rộng rãi USD khiến nó dễ dàng trao đổi và khó bị thay thế. Đây chính là thách thức đối với việc chấp nhận đồng NDT, vốn đắt hơn và bất tiện hơn vì đồng tiền này ít được lưu hành bên ngoài Trung Quốc.

Nhưng một loạt thanh toán bằng NDT gần đây đã tạo ra một số bước tiến đối với tầm nhìn của Bắc Kinh khi Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo một trật tự kinh tế toàn cầu được cách ly khỏi sự biến động của USD và các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp dụng lên Nga.

Điều này càng trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Washington ngày càng tăng, và Bắc Kinh cũng quan ngại khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa (phải) và Đại sứ Trung Quốc tại Argentina Zou Xiaoli sau khi ký thỏa thuận Argentina thanh toán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đồng NDT, tháng 4/2023. (Nguồn: AFP/Getty)

Nội tệ Trung Quốc có thể trở thành ‘bức tường thành’?

Cho đến nay, các nỗ lực trên vẫn chưa góp phần tạo nên một sự thay đổi kinh tế mạnh mẽ. Phần lớn các quốc gia quan tâm đến việc sử dụng NDT đang phải vật lộn với khó khăn kinh tế (như Argentina), hoặc tìm cách giao dịch với Nga bất chấp các lệnh trừng phạt (như Brazil). Và mặc dù tỷ trọng tài chính thương mại toàn cầu của đồng NDT đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2021, nhưng nó vẫn chỉ chiếm chưa đến 5%.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhẹ trong lưu thông quốc tế của đồng NDT cũng đã củng cố ý tưởng rằng, đồng tiền của Trung Quốc có thể là một bức tường thành chống lại không chỉ các biện pháp trừng phạt của phương Tây mà còn cả việc đồng USD thả nổi, những bất ổn do sự sụp đổ của nhiều ngân hàng Mỹ và thách thức trần nợ công sắp xảy ra của Washington.

Ông Xi Junyang, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài chính hiện đại tại Đại học Tài chính và kinh tế Thượng Hải, cho biết: “Sự thống trị của đồng USD khiến thế giới phụ thuộc nhiều vào Washington. Nó làm cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở thành tổ chức quyết định các vấn đề tiền tệ và tài chính của toàn thế giới”.

Các quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga, như Brazil, đã cảnh giác hơn về sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Trong một bài phát biểu tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng trước, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã kêu gọi khối BRICS (gồm các nền kinh tế lớn và mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) từ bỏ đồng USD.

Ý tưởng này càng có thêm động lực kể từ khi phương Tây áp đặt một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với các thực thể và cá nhân Nga, vũ khí hóa đồng USD.

Ông Arthur Kroeber, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Gavekal Dragonomics, một công ty tư vấn kinh tế Trung Quốc, cho biết: “Rõ ràng, có rất nhiều mối quan tâm, không chỉ từ Trung Quốc và Nga, mà còn từ nhiều quốc gia khác, trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán bằng USD bởi mọi người đều đã thấy những cách thức Mỹ có thể vũ khí hóa đồng bạc xanh”.

Bắc Kinh đã khai thác khoảng trống do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow tạo ra. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, thương mại của nước này với Nga đã tăng 153% trong tháng 4/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Các quốc gia khác muốn giao dịch với Nga bất chấp lệnh trừng phạt đang ngày càng xem đồng NDT như một sự thay thế cho USD.

Tháng trước, Bangladesh tuyên bố sẽ trả 318 triệu USD cho một nhà phát triển điện hạt nhân của Nga bằng đồng NDT và chuyển tiền qua mạng thanh toán quốc tế mà Bắc Kinh đã phát triển như một giải pháp thay thế cho mạng thanh toán của phương Tây.

Đến nay, khoản thanh toán vẫn chưa được thực hiện và đã có các báo cáo chỉ ra rằng, Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh - đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan, nhằm cảnh báo Dhaka không được tiến hành động thái đã tuyên bố trên.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể dàn xếp thương mại để từ từ thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trên toàn cầu. Các nhà phân tích cho biết, mục tiêu không phải là tách hoàn toàn khỏi hệ thống USD mà là thúc đẩy nhận thức rằng, đồng nội tệ của Trung Quốc ổn định và hữu ích như đồng Yen Nhật hoặc đồng Euro.

Tháng trước, trong một bài phát biểu tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, ông Yi Gang, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết: “Khi thương mại và đầu tư của Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài, chúng ta nên có một sân chơi bình đẳng. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của doanh nghiệp và cá nhân. Thật tuyệt nếu họ sử dụng đồng NDT và cũng tốt nếu họ thích USD, Euro hoặc Yen… Chúng tôi muốn cạnh tranh công bằng”.

(theo Washington Post)