📞

Nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, một bước tiến lý luận quan trọng và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Giáo sư Jorge Rondón Uzcátegui 07:00 | 30/06/2023
Hệ thống chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam đã phát triển trở thành một kiểu mẫu chủ nghĩa xã hội rất riêng, thậm chí tới mức, một số nhà phân tính so sánh với điều được gọi là “con đường thứ ba” mà cánh tả phương Tây mơ ước, trái ngược với chủ nghĩa xã hội hiện thực được áp dụng tại Liên Xô đã tan rã và các đồng minh của họ.
Ngày 1/2/2021, ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam chủ trì họp báo, thông báo kết quả Đại hội. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Tất cả các điều đó, dưới tư tưởng hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “sự áp dụng sáng tạo của chủ nghĩa Marx-Lennin trong các điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Mười năm đầu tiên sau khi kết thúc chiến tranh với Mỹ là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với Việt Nam. Trước hết, đó là nhu cầu xây dựng, kiến tạo một cấu trúc hành chính toàn quốc của một Nhà nước thống nhất. Tiếp đến là tái thiết một đất nước bị tàn phá bởi quá nhiều cuộc chiến, tái định cư cho những người lính giải ngũ và những người dân di tản bởi chiến tranh. Cuối cùng là nỗ lực xoa dịu nỗi sợ hãi của nhân dân miền Nam đất nước trước một chính phủ cộng sản mới và tái khởi động quá trình thống nhất tư tưởng và văn hóa của người dân.

Để đối diện với tình hình kinh tế xã hội, phục hồi và xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập các kế hoạch 5 năm trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

Tuy nhiên, các kế hoạch này không đạt được kết quả do sự cứng nhắc của nền kinh tế tập trung không có cơ sở xã hội, hậu quả nặng nề của chiến tranh, năng suất thấp và thiếu công nghệ hiện đại, các khoản thanh toán về hợp tác quân sự với các “nước xã hội chủ nghĩa anh em”, sự cô lập của cộng đồng quốc tế và sự chia cắt đất nước vẫn còn dai dẳng.

Mặt khác, cần lưu ý rằng ngoại thương và hỗ trợ tài chính của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào Liên Xô và các đồng minh xã hội chủ nghĩa, mà chính những nước này cũng đang gặp phải các vấn đề kinh tế nghiêm trọng.

Kết quả là nền kinh tế của Việt Nam đã đối mặt với tình trạng trì trệ và siêu lạm phát. Năm 1986, lạm phát đã lên đến mức tối đa là 453,5%. Trước tình hình hết sức khó khăn và cấp bách này, năm 1986, tại Đại hội Đảng VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định triển khai chính sách mở cửa kinh tế - chính trị, mà thường được gọi là quá trình Đổi mới. Theo đó, các Chính sách Kinh tế Mới của Liên Xô (giai đoạn 1921 – 1929), chính sách mở cửa và phát triển kinh tế tại Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình và nguồn cảm hứng của các mô hình chủ nghĩa xã hội Bắc Âu, được áp dụng một phần theo tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng VI Đảng Cộng sản Việt Nam tự phê bình và chỉ ra sai lầm của Chính phủ và quyết định khắc phục hoàn cảnh này. Báo cáo Chính trị viết “Chúng ta phải đổi mới hệ tư tưởng, phong cách làm việc và tổ chức”, “Đảng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật với người dân”. Báo cáo công khai thừa nhận những sai sót nghiêm trọng, kéo dài do “chủ quan, duy ý chí, sai lầm về tư tưởng và sai lầm về các chính sách trong tổ chức của chúng ta”.

Đồng thời, thừa nhận “sự thất bại của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp”, bởi các khoản chi ngân sách quốc gia thực hiện trên sự bao cấp vượt quá thu nhập, trong khi đó, việc sử dụng các khoản vay và viện trợ được thực hiện với các tiêu chí kém năng suất, dẫn đến thâm hụt ngân sách triền miên và lạm phát phi mã.

Đảng Cộng sản đã thông qua nghị quyết mang tính cách mạng tại một đất nước xã hội chủ nghĩa, đó là tiến hành mở cửa nền kinh tế non trẻ và đưa Việt Nam đạt được các kết quả ấn tượng trong quá trình phát triển.

Quốc hội thừa nhận sự cần thiết thúc đẩy cùng với các biện pháp kinh tế của Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân, cá nhân và tư bản chủ nghĩa, với quyền lợi tương tự như khu vực Nhà nước; thứ hai, “việc quản lý các khu vực kinh tế bao gồm cả khu vực của Nhà nước, không còn dựa trên tiêu chí kinh tế thuần túy mà còn trên tiêu chí năng suất, và việc động viên tinh thần cần phải được kết hợp với khuyến khích bằng lợi ích vật chất”; thứ ba, đạo lý ưu tiên công nghiệp nặng cần phải được bác bỏ, đặt ưu tiên cho công nghiệp nhẹ, thủ công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng.

Việc thích ứng của đất nước đối với định hướng kinh tế mới trong Kế hoạch 1986 – 1990 cũng không dễ dàng. Nhiều ý kiến trái ngược về cách thức điều hành đất nước do các cơ chế và quan hệ sản xuất không thể một ngày biến mất mà phải áp dụng những cơ chế và quan hệ sản xuất mới.

Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng CS Việt Nam, những thành tựu kinh tế của công cuộc Đổi mới đã tác động tích cực đến đời sống vật chất và từng bước được cải thiện tinh thần của người dân. (Nguồn: TTXVN)

Chính vì thế, những kết quả đầu tiên của quá trình Đổi mới vẫn còn khiêm tốn (tăng trưởng GDP giai đoạn 1986 – 1990 đạt 4,9%); tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đất nước đã thành công thiết lập các phương thức và hình thái sản xuất mà về lâu dài, cho phép phục hồi sản xuất, tăng trưởng ổn định và kiểm soát lạm phát trong bối cảnh các nước trong Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON), đối tác duy nhất của Việt Nam lúc đó cũng đang gặp khủng hoảng kinh tế toàn diện.

Giai đoạn 1991 – 1995, nền kinh tế Việt Nam không chỉ có một cơ cấu mới mà còn đạt tăng trưởng ấn tượng khi GDP bình quân hằng năm ở mức 8,2%, với khu vực công nghiệp và xây dựng năng động, nền nông nghiệp với ưu thế lớn cũng đã có 25% tổng số. Một lĩnh vực khác như dịch vụ cũng đã tham gia đóng góp vào GDP với 42,7% trong giai đoạn này.

Trong kế hoạch 5 năm 1996-2000, tốc độ tăng trưởng GDP năm đầu tiên dù đạt 9,34% nhưng các năm tiếp theo đều giảm rõ rệt (5,76% năm 1988 và 4,7 năm 1999), tác động đến kết quả của cả giai đoạn dẫn đến tăng trưởng chỉ đạt mức trung bình là 6,95% , điều này về góc độ so sánh có nghĩa là giảm 1,25% so với giai đoạn 5 năm trước.

Hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh tế khiêm tốn đó là cuộc khủng hoảng tiền tệ và tài chính ở Đông Nam Á và một loạt thảm họa thiên nhiên mà đất nước phải gánh chịu. Hai thực tế này cho thấy tính dễ tổn thương về sản xuất, tài chính và chiến lược của đất nước và điều này có thể giải thích bằng quá trình điểu chỉnh tỉ giá hối đoái chậm chạp khi từ một hệ thống kinh tế cứng nhắc sang một hệ thống có nền tảng vững chắc để đối phó với tình huống tài chính xã hội bất ngờ. Mặt khác, điều này cũng bộc lộ sự phụ thuộc của Việt Nam vào bối cảnh bên ngoài.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng trầm trọng này, Chính phủ đã quyết định dành nhiều quyền tự do hơn cho các hoạt động kinh tế nhưng dưới sự quản lý đầy đủ của Chính phủ, nhằm tránh những tác động tới tiêu cực người dân cũng như tới nỗ lực phát triển giáo dục, văn hóa và việc làm. Trong các lĩnh vực khác, (Chính phủ Việt Nam) thúc đẩy các hoạt động du lịch, cử hàng nghìn lao động Việt Nam tới nhiều nước khác nhau và sử dụng tốt các nguồn thu nhập phục vụ phát triển.

Bài học quan trọng nhất từ các cuộc khủng hoảng giai đoạn 5 năm 1996-2000 là nhận thức rõ sự cần thiết phải chuyển hướng sâu sắc và dứt khoát hơn các định hướng kinh tế - xã hội. Vì vậy, Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 6/1996 đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 “đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp, có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu kinh tế tương xứng, quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với lực lượng sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, quốc phòng, an ninh được củng cố, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Tháng 4/2001, Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 và phương hướng, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2001-2005 nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chất lượng của sự phát triểnxã hội đất nước.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xác lập các nền tảng theo kế hoạch để Việt Nam khắc phục tình trạng kém phát triển; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân và tạo các điều kiện cần thiết để đến năm 2020, Việt Nam trở thành một cường quốc công nghiệp.

Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam năm 2005 tăng trung bình 8,4% so với năm trước, đạt 50,6 tỷ USD theo giá hiện hành, cao hơn mức 45,3 tỷ USD của năm 2004. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực đã có trong năm năm trước đó (ở mức 7,4%), phù hợp với các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch kinh tế giai đoạn 2001-2005.

Cần lưu ý rằng xu hướng tích cực đạt được này của nền kinh tế Việt Nam diễn ra bất chấp một số khó khăn cả bên ngoài lẫn bên trong, chẳng hạn như khủng hoảng quốc tế do giá dầu tăng cao làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, đồng thời gây ra sụt giảm nhu cầu hàng hóa của Việt Nam, hạn hán ở các vùng khác nhau của đất nước và việc tiêu hủy bắt buộc một phần đáng kể nguồn gia cầm của Việt Nam, nhằm ngăn chặn sự lây lan toàn cầu của dịch cúm gia cầm.

Từ nước nghèo, thu nhập thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với kinh tế thế giới.

Những thành tựu kinh tế của công cuộc Đổi mới đã tác động tích cực đến đời sống vật chất và từng bước được cải thiện tinh thần của người dân. Giáo dục, y tế có những bước tiến quan trọng. Số hộ có thu nhập trung bình và khá tăng, số hộ nghèo giảm. Hàng năm, hơn một triệu việc làm mới đã được tạo ra thông qua các hợp đồng đặc biệt cho hàng ngàn người lao động Việt Nam ở nước ngoài (khoảng 75.000). Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ được đẩy mạnh nhờ chính sách của Chính phủ buộc các nhà đầu tư phải chuẩn bị và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động.

Những cải cách được triển khai trong chính sách Đổi mới, chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra một động lực lớn nhờ được tiếp nhận nhiều nguồn đầu tư và công nghệ nhằm phục vụ định hướng rõ ràng tới ngoại thương/xuất khẩu. Bằng cách này, Việt Nam đã có thể đạt được chủ quyền lương thực, chấm dứt triệt để nạn đói và trở thành một trong những nhà xuất khẩu chính trên thế giới các sản phẩm như gạo (5 triệu tấn), cà phê, hạt tiêu, cá và động vật có vỏ, cao su tự nhiên, chè , mía đường, đậu nành, hạt điều, đậu phộng, v.v.

Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy chủ yếu bởi sự phục hồi toàn cầu bền vững và những cải cách liên tục trong nước. Tăng trưởng vượt bậc dẫn đến tạo việc làm và tăng thu nhập, về mặt thực tế đã góp phần tăng phúc lợi chung và giảm nghèo. Tăng trưởng GDP ở mức 7,08% có chiều rộng và chiều sâu nhờ sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng (ở mức 13%), được củng cố bởi nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ; sự phục hồi đáng kể của ngành nông nghiệp (ở mức 2,89%), đặc biệt là trong tiểu ngành khai thác thủy sản với định hướng xuất khẩu và sự mở rộng mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ (7,03%), và được củng cố bởi tăng trưởng cơ bản mạnh mẽ trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là tiêu dùng cá nhân và kỷ lục của ngành du lịch.

Cần lưu ý rằng Việt Nam đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng GDP đáng kể trong giai đoạn 2016-2019, lần lượt là 6,7%, 6,9%, 7,9% và 7,4%. Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam năm 2018 theo giá so sánh của năm 2010 ước tính đạt 349,34 tỷ USD; trong khi GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD. Đối chiếu riêng với năm 2005, khi GDP chỉ đạt khoảng 50 tỷ đô la (2005) và bình quân đầu người là 600 đô la/năm.

Do hậu quả của đại dịch Covid-19, sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng giống như tất cả các quốc gia, đều đã phải chịu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp kịp thời, chẳng hạn như tăng cường xây dựng các công trình công cộng, giảm thuế và khuyến khích tài chính để các công ty tiếp tục hoạt động kinh tế, bất chấp sự phải thực hiện chính sách cách ly xã hội bắt buộc và du lịch sụt giảm đột ngột. Tuy nhiên, kết quả lại rất đáng khích lệ, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương với 2,9% và 2,6% trong năm 2020 và 2021.

Năm 2022 đánh dấu sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP là 8,02%, một trong những mức cao nhất trong thập kỷ qua. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài đã tăng đáng kể và hiệu quả lên mức 13,5% và đạt thặng dư thương mại nước ngoài 11,6 tỷ USD.

Mặt khác, mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh, cần lưu ý rằng Việt Nam vẫn còn nhiều hộ nghèo, chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Một trong những thành tựu to lớn của Việt Nam là hội nhập liên tục vào hệ thống kinh tế thế giới, tương tự như các “con hổ” khác của Đông Nam Á, nền kinh tế của Việt Nam dựa trên hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Với quan điểm như vậy, Việt Nam là một thành viên nổi bật của Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN và đã ký kết một số Hiệp định Thương mại Tự do ở cấp độ đa phương và song phương. Các hiệp định thương mại tự do đã giúp Việt Nam thiết lập quan hệ thương mại chặt chẽ với các khu vực khác, nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm của mình thâm nhập vào nhiều thị trường, cũng như thu hút đầu tưnước ngoài.

Một số người chỉ trích một cách âm thầm Quá trình Đổi mới gây những hậu quả tai hại của nó, đó là tình trạng thất nghiệp ở thành thị ngày càng tăng trong những năm gần đây, do lượng người di cư từ nông thôn lên thành phố và đô thị, cùng với trình độ chuyên môn thấp của nhiều người trong nhóm di cư khi quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa diễn ra, ngay cả trong lĩnh vực nông nghiệp và các khu công nghiệp xung quanh thành phố.

Một mặt, quá trình Đổi mới đã tạo thêm khoảng cách giữa “những người có và những người không có”. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ đã áp dụng các chương trình phúc lợi và hỗ trợ xã hội, đặc biệt là giúp đỡ các gia đình nghèo khó về việc làm, y tế, giáo dục và đào tạo nghề để các gia đình này có thể trang trải các nhu cầu cơ bản và thêm thu nhập tài chính.

Theo đó, dù Đổi mới có nghĩa là định hướng nhưng cũng là kích thích nền kinh tế thị trường nội địa và phải luôn tính đến việc chính sách này phải được Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước chỉ đạo và kiểm soát. Đây chính là điều mà Chính quyền Trung ương gọi là “chính sách kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Để kết luận, tôi xin trích lời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.

Theo nhận thức của chúng ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.