📞

Nền kinh tế 'trọng thương' vì Covid-19, các nước 'hối hả' bơm tiền cứu trợ

10:08 | 26/08/2020
TGVN. Đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu vô cùng lớn khiến nhiều nước phải bơm tiền để giảm bớt tổn thương, phục hồi nhanh chóng…
Nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19. (Nguồn: SCMP)

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay, ngân hàng trung ương Trung Quốc phải bơm 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 174 tỷ USD) vào thị trường tài chính để đảm bảo nhu cầu thanh khoản và xoa dịu những tổn thương mà đại dịch Covid-19 gây ra.

“Để đảm bảo tính thanh khoản, toàn bộ hệ thống ngân hàng sẽ cần thêm khoảng 900 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái,” ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sau khi quyết định tung ra một lượng tiền khổng lồ vào thị trường.

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế số 1 thế giới cũng đang tích cực đổ thêm tiền vào lưu thông. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bơm lượng tiền kỷ lục vào hệ thống tài chính để cứu nền kinh tế. Hơn 10 năm trước, lượng tiền chủ yếu đổ vào các tài khoản ngân hàng, trong khi hiện tại, tiền đang rơi vào tài khoản của người dân Mỹ, Bloomberg cho hay.

Khi tiền nằm trong các tài khoản ngân hàng, chúng không thể xuất hiện trong nền kinh tế thực, còn khi nằm trong túi của người dân, lượng tiền khổng lồ sẽ kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Có thể nói, cú huých tiền mặt từ FED trong đại dịch Covid-19 có ý nghĩa khác biệt so với hồi khủng hoảng kinh tế cách đây hơn một thập kỷ.

Tại Singapore, chính phủ bơm thêm 8 tỷ USD để hỗ trợ việc làm, chi trả tiền lương và kích thích tăng trưởng, giảm bớt tác động tiêu cực của Covid-19.

Straitstimes cho biết, số tiền hỗ trợ này sẽ được dùng để trợ giúp những doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh và các lao động thất nghiệp và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

Theo Nikkei, để ứng phó với đại dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản đưa ra biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Lượng tiền này sẽ được bơm vào trái phiếu chính phủ và hỗ trợ thị trường chứng khoán thông qua các quỹ trao đổi.

Bên cạnh biện pháp hỗ trợ thị trường tài chính, số tiền viện trợ của chính phủ Nhật Bản được “bơm” thẳng vào túi của người dân, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, hỗ trợ họ vượt qua thời gian khó khăn vì dịch bệnh.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện vẫn còn dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, muốn kích thích tổng cầu thì mở rộng chính sách tài khóa vẫn là quan trọng nhất.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính sách tài chính và tiền tệ phải kết hợp đồng bộ, hiệu quả để kích thích tổng cầu, lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng.

Đại dịch Covid-19 quay lại khiến áp lực với các doanh nghiệp trở nên nặng nề hơn, giải pháp tín dụng được nhiều doanh nghiệp tính đến. Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp hàng không đã phải cầu viện Chính phủ các gói vay hàng chục ngàn tỷ đồng với lãi suất 0%/năm. Hàng loạt doanh nghiệp du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn… và nhiều hiệp hội cũng nhiều lần đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

(theo Trần Ngọc/VOV)