📞

Nepal - Ấn Độ: Láng giềng dù “sứt mẻ” vẫn cần nhau

08:25 | 22/10/2015
Cùng với thời tiết đang trở nên mát mẻ tại Nepal, người ta đang hy vọng bất ổn tại đất nước ở chân núi Himalaya này cũng sẽ dần dịu đi và căng thẳng trong mối quan hệ đặc biệt giữa Nepal với Ấn Độ cũng sẽ được hạ nhiệt. Chuyến thăm Ấn Độ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao mới của Nepal, ông Kamal Thapa từ ngày 18-20/10 là một tín hiệu rõ ràng cho điều này.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Kamal Thapa và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tại New Delhi ngày 18/10. (Nguồn: PTI)

Bất ổn tại Nepal và căng thẳng trong quan hệ Nepal - Ấn Độ bùng phát khi Tổng thống Ram Baran Yadav ngày 20/9 chính thức công bố Hiến pháp mới đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, Mặt trận Madhesi đã tẩy chay Hiến pháp và không tham gia bỏ phiếu. Một số nhóm dân tộc thiểu số ở vùng Terai giáp với Ấn Độ, đứng đầu là cộng đồng Madhesi vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ đã phản đối việc phân chia ranh giới các tỉnh và đòi quyền đại diện theo tỷ trọng dân số. Cộng đồng này có dân số bằng 1/2 cả nước nhưng chỉ chiếm 1/5 diện tích Nepal.

Căng thẳng và bạo lực leo thang tại các khu vực giáp ranh với Ấn Độ đã khiến nước này phải thắt chặt an ninh, tăng cường kiểm tra tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, hệ quả của biện pháp này là sự ách tắc việc cung cấp nhiên liệu và thực phẩm từ Ấn Độ sang Nepal. Báo chí tại Nepal ngay lập tức buộc tội New Delhi đã áp đặt cấm vận để buộc Kathmandu thay đổi Hiến pháp, mặc dù Bộ Ngoại giao Ấn Độ hết sức bác bỏ điều này.

Trong bối cảnh tình hình tại Nepal cũng như quan hệ Nepal - Ấn Độ đang “bốc khói”, ngày 12/10, ông Sharma Oli, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nepal Marxist Leninist thống nhất (CPN-UML) đã được Quốc hội bầu làm Thủ tướng mới thay ông Sushil Koirala. Ông Oli, vốn được coi là người có lập trường cứng rắn với những yêu sách của nhóm thiểu số tại khu vực Terai, từng công khai phản đối sự can dự của Ấn Độ vào quá trình dự thảo Hiến pháp mới của Nepal. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng thứ 38 của Nepal đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các nhóm thiểu số, đồng thời chọn ông Kumar Gachhadar, người của Mặt trận Madhesi làm Phó Thủ tướng.

Ông Oli cũng khẳng định ưu tiên khôi phục quan hệ với Ấn Độ và giao Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Kamal Thapa sang New Delhi thực hiện sứ mệnh này. Trong chuyến thăm 3 ngày này, ông Kamal Thapa có các tiếp xúc với Thủ tướng Narendra Modi, Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh và Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj.

Kết quả đúng như mong đợi. Phía Ấn Độ đã cam kết làm mọi thứ để việc cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho Nepal trở lại bình thường. Lập tức 300 xe tải chở xăng dầu đã được lệnh vượt biên giới sang cung cấp cho Nepal.

Giới phân tích cho rằng, việc khôi phục mối quan hệ đặc biệt Ấn Độ - Nepal mang tính tất yếu bởi cả hai bên đều cần nhau. Lãnh đạo Nepal thừa hiểu Ấn Độ quan trọng thế nào trong chính sách đối ngoại của mình. Nepal chỉ giáp với Trung Quốc ở phía Bắc hiểm trở, còn lại là chung đường biên với Ấn Độ. Hơn nữa, hai nước chia sẻ một cách sâu sắc truyền thống lịch sử và văn hóa.

Theo Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị 1950, người Ấn và Nepal có thể qua lại mà không cần thị thực và lao động Nepal có thể làm việc tự do tại Ấn Độ. Có đến 70% thương mại của Nepal là từ Ấn Độ. Đặc biệt, Nepal hoàn toàn phụ thuộc vào Ấn Độ về nhiên liệu và dịch vụ y tế.

Chỉ vài ngày do “hạn chế” nguồn cung nhiên liệu và hàng hóa thiết yếu từ Ấn Độ, Nepal đã gần như bị tê liệt. Nepal đã cho mở lại cửa khẩu Jilung – Tatopani giữa Nepal và Trung Quốc vốn bị phá hủy từ vụ động đất lịch sử vừa qua, song đây chỉ là giải pháp tình thế bởi mới giải quyết được một phần rất nhỏ nhu cầu của Nepal.

Lãnh đạo Nepal hiểu hơn ai hết rằng, nếu bất ổn trong nước vẫn tiếp tục diễn ra và quan hệ với Ấn Độ tiếp tục xuống cấp thì Nepal chính là nước chịu thiệt hại. Chưa kể việc Nepal rất cần sự hỗ trợ của Ấn Độ cho công cuộc tái thiết đất nước sau động đất. Do đó, ưu tiên cao nhất hiện nay của Kathmandu là đối thoại với các nhóm thiểu số và có thể phải sửa đổi Hiến pháp.

Tình hình thời gian qua cho thấy, chưa nước nào có thể thay thế được Ấn Độ trong quan hệ với Nepal. Việc cân bằng quan hệ với các nước lớn chỉ là chiến lược lâu dài, chứ không phải là giải pháp trước mắt đối với Nepal.

Đối với Ấn Độ, Nepal vẫn là nước láng giềng gần gũi nhất. Kể từ khi lên nắm quyền hơn một năm nay, Thủ tướng Modi đã hai lần đến thăm Nepal. Dường như Ấn Độ cũng đã thấm thía những hệ quả bất lợi nếu duy trì tình trạng bất ổn trong quan hệ song phương - có thể làm tăng tư tưởng bài Ấn trong người dân Nepal và đẩy nước này vào vòng tay người khác.

New Delhi hiểu rõ cần phải quan hệ tốt với Kathmandu bất luận ai nắm quyền tại đây. Do vậy, khi ông Oli được bầu làm Thủ tướng mới, ông Modi đã ngay lập tức điện đàm chúc mừng và mời ông Oli thăm Ấn Độ. Chuyến thăm Ấn Độ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kamal Thapa thể hiện rõ mong muốn của cả hai bên sớm đưa mối quan hệ đặc biệt Ấn Độ - Nepal trở lại quỹ đạo nồng ấm.

Ngọc Anh (từ New Delhi)