Cộng đồng đa số người da màu với số lượng đông đảo, chủ yếu sinh sống ở những vùng nông thôn, nhưng chính trong những cộng đồng này mà các nét văn hóa truyền thống tiêu biểu vẫn đang tồn tại và phát triển.
Đa sắc màu Giáng sinh
Ngày nay, cùng với xu thế hội nhập cùng phát triển, Giáng sinh không chỉ là ngày lễ đặc biệt của những người theo Thiên chúa giáo mà đã trở thành lễ hội được chờ đợi nhất trong năm đối với nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, ở mỗi vùng khác nhau, người ta lại có những cách đón mừng Noel khác nhau.
Trẻ em ở Nam Phi đón Lễ Giáng sinh. (Ảnh: Lauren Morling) |
Ở khu vực miền Nam châu Phi, Lễ Giáng sinh thường bắt đầu từ rất sớm bởi tiếng hát của các nhóm truyền giáo băng qua nhiều khu đường phố, làng mạc. Các bài hát thánh ca nổi tiếng thế giới sẽ đánh thức mọi người dậy để tới nhà thờ cầu nguyện, trước khi mỗi người trở về nhà để có những chuẩn bị những bữa tiệc sum họp bên gia đình với gà tây, thịt bò nướng hoặc lợn sữa, gạo vàng với nho, rau và mứt mận, bánh cracker...
Điểm thu hút chính của lễ hội đón Giáng sinh luôn là những ca đoàn của nhà thờ người da màu và da đen với những giai điệu độc đáo và những chất giọng tuyệt vời. Ngoài ra, còn có liên hoan các dàn đồng ca thanh niên Afrikaner hàng năm.
Lễ Giáng sinh ở Nam Phi diễn ra vào mùa Hè, không có tuyết nhưng hoa lá xanh tươi và rực rỡ sắc màu ở khắp mọi nơi. Và, thay vì cây thông Noel, người dân nới đây lại dùng cây cọ dầu là cây biểu tượng cho Giáng sinh và năm mới.
Theo nghi thức truyền thống lâu đời, phần quan trọng nhất trong lễ cầu nguyện Giáng sinh của người châu Phi là trao tặng tình cảm - thường là một món quà để tỏ lòng tôn kính Chúa. Vào khoảng 8-9h sáng, người dân sẽ tham gia lễ mừng Chúa giáng sinh. Bất cứ ai tham gia lễ cầu nguyện đều đem theo một món quà nhỏ và đặt chúng ở gần chiếc bàn thờ và sau thánh lễ các món quà này được phân phát cho các em nhỏ.
Dịp để bày tỏ yêu thương
Đặc biệt, theo truyền thống châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng, Lễ Giáng sinh là dịp để mọi người bày tỏ tình cảm, trao yêu thương, không chỉ với những người thân yêu mà còn là cơ hội để sẻ chia với những người còn khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống. Các quốc gia miền Nam châu Phi, người dân rất hãnh diện với những lễ hội truyền thống của mình, nhất là lễ đón Giáng sinh và năm mới và được coi là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng nhất của năm.
Nhân dịp này, du khách và người dân địa phương đắm mình trong bầu không khí vui vẻ, hạnh phúc với những màn biễu diễn nghệ thuật ấn tượng nhất của những nghệ sĩ nghiệp dư thường được tổ chức bên ngoài các Nhà thờ và khu vực công cộng đông người. Đặc biệt ở Nam Phi, phong tục đón Giáng sinh và năm mới thường diễn ra ngoài trời và bãi biển với rất nhiều người tham gia.
Những ngày lễ này ở Nam Phi thường rơi vào mùa Hè, trong khi những nước thuộc Bắc bán cầu và châu Âu là mùa Đông. Đặc biệt, ở thành phố du lịch Cape Town (Kếp Thao), người bản địa ở đây còn có tục lệ đón mừng ngày Tết Tweedenuwejaar (năm mới lần hai) vào ngày đầu tiên và ngày thứ hai của tháng Giêng. Ngày tết này ra đời từ lễ hội Carnival Coon hàng năm do ban nhạc thổ dân Capecoons đứng ra tổ chức và biểu diễn.
Trẻ em Nam Phi chuẩn bị cho một tiết mục văn nghệ nhân dịp Giáng sinh. (Nguồn: SAM) |
Các nghệ sĩ này thường hóa trang, đội nón và mặc trang phục nhiều màu sắc của các sắc tộc ở Nam Phi. Các nghệ sĩ dẫn đầu các đám rước đường phố vui nhộn, vừa đi vừa nhảy múa và hát những bài ca tự ứng khẩu với những nhạc cụ truyền thống châu Phi.
Ở Nam Phi, lễ Giáng sinh và năm mới là những ngày lễ chính thức và mọi người được đều được nghỉ làm việc. Lễ Giáng sinh được tổ chức tương tự như ở các nước khác, chỉ có điều lễ Noel lại rơi vào mùa Hè, vì thế nhiều người dân nơi đây đã chọn tổ chức bữa tiệc sum họp gia đình ở ngoài trời, thay vì một bữa ăn truyền thống trong nhà như các khu vực khác trên thế giới. Một số gia đình đi lễ nhà thờ, sau đó đi chợ truyền thống để mua những đồ ăn xa xỉ tùy theo túi tiền của mình và những món quà Giáng sinh cho gia đình, người thân và bạn bè.
Lễ Giáng sinh và đón năm mới tại khu vực miền Nam châu Phi được coi là ngày đoàn tụ gia đình và người thân nên vô cùng có ý nghĩa và hạnh phúc của người dân nơi đây không phân biệt tôn giáo và sắc tộc.