📞

“Nếu không thấy biển giảm giá 50%, 70%, khách sẽ không vào”

08:59 | 21/12/2016
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã chia sẻ như vậy về xu hướng giảm giá chung trên toàn thế giới, trong đó, ngành dệt may bị ảnh hưởng khá lớn.

Trong một sự kiện do ngành Dệt may Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Hoàng Vệ Dũng đã chia sẻ với báo giới về những khó khăn của ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2016, sự ảnh hưởng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và hướng phát triển của ngành trong năm 2017.

Ông Hoàng Vệ Dũng. (Nguồn: Vinatex)

Xin ông cho biết tình hình hoạt động ngành Dệt may năm 2016?

Năm 2016 là một năm không mấy thuận lợi với ngành dệt may Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2016 dự kiến đạt 28,023 tỷ USD, chỉ tăng 5% so với năm 2015, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Như vậy, so với mục tiêu 29 tỷ USD, xuất khẩu dệt may vẫn còn thiếu khoảng 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành dệt may cũng đã có bước tiến dài trong hội nhập quốc tế, tận dụng những lợi thế do các hiệp định song phương, đa phương, chủ động đón đầu các cơ hội khi nước ta gia nhập WTO, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu. Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến xuất khẩu trực tiếp, không qua trung gian, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Một cách khách quan, theo ông, đâu là nguyên nhân của sự sụt giảm này?

Như tôi đã chia sẻ, năm 2016 là năm nhiều khó khăn đối với dệt may Việt Nam. Việc tìm kiếm thị trường ngày càng khó khăn hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may FDI vào Việt Nam nhiều hơn, môi trường cạnh tranh nhiều hơn; sự phát triển của các nước xuất khẩu may mặc mới nổi như: Myanmar, Bangladesh, Madagascar khiến các đơn hàng “chạy” sang nhà xuất khẩu khác. Đặc biệt, xu thế giảm giá chung trên toàn thế giới đang lấn lướt trên khắp các lĩnh vực. Nếu không thấy biển giảm giá 50%, 70%, khách hàng sẽ không vào mua hàng.

Bên cạnh đó, các nhà mua hàng thế giới cũng có xu hướng rút ngắn kế hoạch mua hàng từ dài hạn thành ngắn hạn. Nếu như trước đây, doanh nghiệp nhập khẩu chuẩn bị kế hoạch từ 5 - 6 tháng, thậm chí cả năm, thì nay kế hoạch này đã rút ngắn xuống còn 2 - 3 tháng. Thời gian đặt hàng gấp nên đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải có giá cạnh tranh hơn và phản ứng rất nhanh, một cách linh động uyển chuyển thì mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, các khách hàng thế giới cũng có xu hướng tái cơ cấu, những sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì họ sản xuất ở “chính quốc” hoặc các nước có trình độ phát triển cao, còn những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng thấp thì sản xuất ở những nước kém phát triển hơn. Điều này cũng khiến Việt Nam dần mất đi các đơn hàng.

Dệt may Việt Nam đứng nhiều cơ hội và thách thức trước các FTA. (Nguồn: CafeF)

Trước những khó khăn đó, ngành Dệt may có những giải pháp nào để đạt được kế hoạch trong năm 2017?

Theo kế hoạch năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 30 tỉ USD, tăng 7% so với 2016. 2017 cũng là năm nhiều đón đầu các cơ hội để các doanh nghiệp dệt may được hưởng các ưu đãi về thuế quan khi nhiều FTA có hiệu lực.

Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường bằng cách: hạn chế tối đa qua khâu trung gian, tăng cường tiếp xúc trực tiếp, “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Các doanh nghiệp trong ngành cần nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình, nâng cao hơn nữa tỉ trọng hàng FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất) và thậm chí là OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) với kỳ vọng tăng sức cạnh tranh, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng chiếm lĩnh thị trường nội địa với một tiềm năng rất lớn.

Tuy nhiên, để làm được điều đó cũng không dễ dàng. Dệt may Việt Nam cần phong phú đa dạng hơn về mẫu mã, các doanh nghiệp phải đáp ứng nhanh hơn yêu cầu của khách hàng, trả lời đơn hàng nhanh hơn và thời gian sản xuất cũng nhanh hơn.

Ông có nói tới thị trường nội địa, tuy nhiên, doanh thu từ thị trường này của dệt may hiện không lớn. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam có định hướng sản xuất, kinh doanh như thế nào để phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng cạnh tranh do hiệu lực từ các hiệp định FTA?

Đúng là hiện nay, doanh nghiệp dệt may Việt Nam ở thị trường nội địa không nhiều. Doanh thu dệt may nội địa năm 2016 dự kiến khoảng 4 - 5 tỉ USD. Khi các FTA có hiệu lực, Việt Nam được bán hàng vào các nước khác với thuế suất ưu đãi thì đổi lại, hàng hóa của các nước cũng dễ dàng vào Việt Nam hơn. Vì vậy, FTA vừa là cơ hội, vừa là thách thức với doanh nghiệp dệt may Việt trên cả sân khách lẫn sân nhà.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành dệt may cũng ngày càng chú trọng và dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Sản phẩm dệt may Việt Nam hiện đã có mặt trên khắp cả nước với chủng loại đa dạng cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa thích và lựa chọn các sản phẩm dệt may Việt, góp phần tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần xây dựng phát triển thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Để làm được điều đó cần đầu tư lớn về mẫu mã; hệ thống phân phối rộng khắp ở cả thành thị, nông thôn; xây dựng chiến lược bán hàng đa kênh, cả từ cửa hàng trực tiếp và bán hàng online, tận dụng lợi thế của mạng xã hội.

 

 

(thực hiện)