Thủ đô New Delhi đang chịu đựng mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng. (Nguồn: The Economic Times) |
Hai mươi triệu dân của vùng thủ đô Delhi đang hít thở một bầu không khí nguy hại khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã vượt qua mức “nghiêm trọng” và “nguy hiểm” của gần như tất cả các trạm quan trắc ở đây.
Theo dữ liệu từ Ban kiểm soát ô nhiễm trung ương, chỉ số AQI đã vượt 450 tại nhiều nơi.
Việc chỉ số AQI vượt ngưỡng 400 ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh, và tác động nghiêm trọng đến những người đang có các bệnh lý nền. Chỉ số này là hơn 800 ở một số khu vực ở Delhi, theo dữ liệu từ Ủy ban kiểm soát ô nhiễm Delhi.
Ô nhiễm nhất thế giới
New Delhi là một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới do luôn chìm trong bụi mù vào mỗi mùa Đông, nguyên nhân là bầu không khí lạnh kìm giữ bụi xây dựng, khí thải xe cộ, khói và tro do nông dân ở các bang lân cận đốt rơm rạ dọn ruộng cho vụ sau. Điều kiện thời tiết này có thể gia tăng các vấn đề hô hấp cho cư dân thành phố.
Nhiều phụ huynh và các nhà bảo vệ môi trường đã yêu cầu tạm đóng cửa các trường học.
Nhà hoạt động môi trường Vimlendu Jha viết trên Twitter: “Tôi đề nghị tất cả các bộ trưởng của vùng thủ đô Delhi hãy tạm đóng cửa ngay lập tức tất cả các trường học.
“Việc hít thở với chỉ số AQI ở mức trên 500 không phải là bình thường đối với con cái của chúng tôi. Nhiều đứa trẻ đã gặp phải vấn đề về phổi”.
Theo ghi nhận từ tổ chức chất lượng không khí IQAir, New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới liên tiếp trong bốn năm qua. Kết quả của Google Trend cũng cho thấy số lượt tìm kiếm “máy lọc không khí” những ngày qua tăng đột biến ở khu vực Delhi, chứng tỏ người dân đang tìm kiếm một nguồn không khí sạch hơn.
Để khắc phục tình hình, chính quyền Delhi đang thực hiện một loạt giải pháp.
Thủ hiến Delhi, ông Arvind Kejriwal khi ở bang Punjab - nơi đang diễn ra việc đốt rơm rạ tràn lan, thông tin trên Twitter rằng “người dân Punjab và Delhi đang thực hiện tất cả các việc theo khả năng của họ” để giải quyết ô nhiễm.
Tuần qua, thủ đô của Ấn Độ đã tạm ngừng hầu hết các công việc xây dựng và phá dỡ để hạn chế ô nhiễm bụi. Chính quyền thành phố kêu gọi người dân đi chung ô tô và xe máy, làm việc tại nhà khi có thể, giảm sử dụng than và củi tại nhà.
Để ứng phó với mức độ ô nhiễm không khí cao bất thường ở Delhi, hôm 3/11, chính quyền đã cấm các xe tải chạy bằng động cơ diesel chở hàng hóa không thiết yếu vào thủ đô, đình chỉ hầu hết công trình xây dựng và phá dỡ trong tuần qua.
Bộ trưởng Môi trường vùng thủ đô Delhi Gopal Rai cho biết, 50% nhân viên chính quyền thành phố được yêu cầu làm việc tại nhà trong thời gian tới. Ông cũng kêu gọi các công ty tư nhân thực hiện biện pháp tương tự.
Tất cả các trường tiểu học tại Delhi đóng cửa từ ngày 5-11 cho trẻ học trực tuyến để đảm bảo sức khỏe trước nguy cơ bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Quyết định này nhận được sự hoan nghênh của phụ huynh.
Ủy ban Nhân quyền Ấn Độ cũng yêu cầu Chánh văn phòng các bang Punjab, Haryana, Uttar Pradesh và vùng thủ đô Delhi đưa ra biện pháp cụ thể đối phó với mức độ ô nhiễm đáng báo động.
Vấn nạn của nhiều nước
New Delhi không phải nơi duy nhất phải đối mặt với “vấn nạn” đốt rơm rạ gây ô nhiễm.
Tại Thái Lan, việc đốt rơm rác ngoài trời cũng là nguyên nhân thứ hai gây ô nhiễm không khí. Từ cuối năm 2020, chính phủ nước này đã tuyên bố bụi mịn là vấn đề chính sách toàn quốc.
Chính phủ Thái Lan đã và đang có nhiều chính sách giảm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bụi mịn. Chính phủ đã quy định rằng từ cuối năm 2022, một số vùng chuyên trồng mía đường sẽ không được đốt rác.
Ở Hà Nội, tháng 6/2021, thành phố đã ghi nhận việc đột nhiên “thăng hạng” vào danh sách chất lượng không khí ô nhiễm nhất thế giới.
Tại thời điểm đó, ứng dụng theo dõi ô nhiễm không khí Air Visual đưa ra mức cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng tại Hà Nội. Air Visual áp dụng cách tính giá trị AQI của Mỹ đưa ra mức cảnh báo ô nhiễm không khí màu đỏ - mức xấu, giá trị AQI từ 171 – 184 (có hại cho sức khỏe). Theo ứng dụng này, Hà Nội có thời điểm xếp thứ nhất thế giới về ô nhiễm không khí.
Các nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức cao được các chuyên gia môi trường chỉ ra: khí phát thải từ các nhà máy, các khu công nghiệp, phương tiện giao thông; đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch.
PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí tại Hà Nội không hoàn toàn do đốt rơm rạ mà được cộng hưởng bởi các yếu tố trên.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, mùa Hè tại Hà Nội có nắng và gió, lớp khí quyển tạo điều kiện khuếch tán không khí làm cho không khí trong lành hơn mùa lạnh.
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách là cần lập và thực hiện kế hoạch liên ngành ứng phó với ô nhiễm không khí, bao gồm các hướng dẫn y tế và biện pháp bảo vệ sức khỏe, biện pháp hạn chế nguồn thải tương ứng với các mức ô nhiễm không khí; phát triển hệ thống dự báo chất lượng không khí và cảnh báo các đợt ô nhiễm không khí; truyền thông, nâng cao nhận thức...