Trong thông báo đưa ra ngày 30/1, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết, mục tiêu là vào cuối năm 2018 sẽ có khoảng 18.000 nhân viên cảnh sát được trang bị và huấn luyện sử dụng các camera gắn trên người.
Ngân sách dự kiến cho chương trình này là 5,9 triệu USD cho năm 2018, 12 triệu USD cho năm 2019 và 9,5 triệu USD cho năm 2020.
Thị trưởng New York Bill de Blasio (giữa) cho biết, mục tiêu là vào cuối năm 2018 sẽ có khoảng 18.000 nhân viên cảnh sát được trang bị và huấn luyện sử dụng các camera gắn trên người. (Nguồn: NYC) |
Thị trưởng de Blasio cho biết, đây là một trong những nỗ lực của chính quyền để hỗ trợ lực lượng bảo vệ pháp luật làm việc hiệu quả, an toàn và minh bạch hơn.
Sở cảnh sát New York bắt đầu thí điểm trang bị máy quay đeo người vào tháng 12/2014, tức là 6 tháng sau một vụ đụng độ giữa cảnh sát và dân thường khiến một người dân thiệt mạng.
Đây là một trong số những vụ xô xát giữa lực lượng an ninh và người dân, châm ngòi cho loạt vụ biểu tình diện rộng trên toàn quốc.
Đại diện lực lượng cảnh sát New York, ông James O'Neill, cho biết hiện thành phố có khoảng 2.200 sĩ quan đang mang theo máy quay khi làm nhiệm vụ.
Ông O'Neill cũng cho biết 4 trên 5 vụ nổ súng liên quan tới cảnh sát mới đây nhất được ghi lại qua các camera gắn trên người người thi hành công vụ, qua đó giúp nhanh chóng giải quyết dứt điểm các khiếu nại.
Ông Eric Adams, Chủ tịch khu dân cư Brooklyn đông dân nhất New York, cho rằng sáng kiến này sẽ giúp thành phố tiết kiệm được hàng triệu USD phí tổn cho các vụ kiện tụng.
Giới chức thành phố hy vọng việc New York đi đầu trong sáng kiến này sẽ giúp nhân rộng mô hình ra nhiều thành phố khác trên cả nước, trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa hoàn toàn giải quyết dứt điểm những căng thẳng gây tranh cãi liên quan tới các trường hợp dân thường, chủ yếu là người Mỹ gốc Phi, thiệt mạng do đụng độ với cảnh sát.
Lực lượng cảnh sát New York có hơn 36.000 sĩ quan và dân số thành phố là khoảng 8,5 triệu người.