
Tam giác phát triển ở vùng nghèo
Tam giác phát triển là sáng kiến của Thủ tướng 3 nước được đưa ra tại cuộc họp lần thứ nhất vào năm 1999 tại Vientiane (Lào) nhằm tăng cường đoàn kết, sự hợp tác để phát huy tiềm năng và thế mạnh của 10 tỉnh trong khu vực tam giác giữa Việt Nam, Lào và Campuchia. Khu vực Tam giác phát triển gồm Ratanakiri, Stung Treng (Campuchia), Atapư, Xê Kông (Lào) và Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông (Việt Nam). Là khu vực giàu tiềm năng, nhưng các tỉnh cận kề biên giới đều là vùng nghèo nhất của 3 nước nên tiến độ triển khai dự án vẫn còn rất chậm.
Vì lẽ đó, từ tháng 12/2006, ba nước đã thông qua tuyên bố chung về phương hướng tăng cường hợp tác và quyết định thành lập Ủy ban điều phối chung về Tam giác phát triển. Theo đó, ưu tiên hàng đầu được dành cho xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi chung và đặc biệt đối với khu vực Tam giác phát triển để tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư. Ba nước thống nhất kêu gọi Nhật Bản tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho khu vực Tam giác phát triển, trước mắt là cam kết tài trợ cụ thể cho các dự án quy mô nhỏ và có lộ trình cụ thể tài trợ 12 dự án hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên đã được trao cho Nhật Bản.
Gần đây, ngày 17/2/2008, Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 2 đã bế mạc tại Sihanoukville (Campuchia). Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cho biết thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chính sách cởi mở, củng cố xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ba nước cũng như bên ngoài đầu tư, hợp tác thương mại vào các tỉnh của Việt Nam nằm trong khu vực Tam giác phát triển. Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các địa phương của Lào và Campuchia trong khu vực Tam giác phát triển, với mục tiêu phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của khu vực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của vùng. Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, hơn 100 doanh nghiệp ba nước đã cùng trao đổi kinh nghiệm, thông báo cho nhau những cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực trong và ngoài khu vực.
Kỳ vọng Bờ Y
Việc xây dựng vùng đất ngã ba biên giới xã Bờ Y - Ngọc Hồi - Kon Tum trên thực tế đã được khởi động từ năm 1999 khi tỉnh này thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Bờ Y nhằm khai thác thế mạnh cửa ngõ phía Tây Bắc thông với các nước Lào-Campuchia. Tiếp đó, Chính phủ đã quyết định xây dựng ngã ba Đông Dương thành đô thị loại 2 hiện đại, có sân bay quốc tế cùng nhiều chính sách ưu đãi nhà đầu tư.
Bờ Y là vùng rất nghèo, xa trung tâm kinh tế thương mại tỉnh, hạ tầng yếu kém, hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tiềm năng thế mạnh của Ngã ba Đông Dương rất lớn, là đầu mối giao thương quan trọng vùng Tây Nguyên với Trung Trung Bộ, Nam Bộ. Là cự ly gần nhất để các tỉnh miền Nam nước Lào và Đông Bắc Campuchia thông ra biển. Đường bộ từ Bờ Y qua Lào đến Bangkok (Thái Lan) chỉ 1.000km. Sau gần 10 năm triển khai, tổng vốn ngân sách đầu tư vào đây đến nay khoảng 150 tỷ đồng. So với kế hoạch và nhu cầu vốn, đây là con số rất nhỏ, nhưng Khu Kinh tế Bờ Y đã và đang được sự kỳ vọng rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Ban QLDA Khu kinh tế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 6 dự án với tổng vốn đăng ký 435,3 tỷ đồng tập trung vào 3 lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Đáng chú ý là Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Thương mại và Dịch vụ quốc tế GIEC đăng ký đầu tư 11 dự án tổng vốn hơn 3 tỷ USD gồm: Xây dựng khách sạn 5 sao có dịch vụ thương mại, du lịch và trò chơi có thưởng, sân golf quốc tế 54 lỗ, Khu thương mại quốc tế phi thuế quan… Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu, khảo sát để đầu tư một số dự án, như đề án sân bay thương mại quốc tế Bờ Y. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư nhiều dự án theo hình thức BT, BOT công trình hạ tầng công nghiệp, đô thị, du lịch sinh thái.
Cùng với việc khánh thành cột mốc nằm chính giữa ngã ba Đông Dương và khánh thành Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, diện mạo của khu vực Tam giác phát triển đang thay đổi từng ngày. Cái khó nhất để phát triển khu vực này là hạ tầng cơ sở yếu kém nhưng nay đang được từng bước khắc phục. Phát triển Ngã ba Đông Dương đang được sự quan tâm ở cấp cao nhất của 3 nước, của nhân dân 10 tỉnh trong vùng và của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Đó chính là tiền đề để biến vùng sâu, vùng xa xóa đói nghèo để tiến lên thịnh vượng.
Cúc Chuyên