Thời điểm tốt để Nga và Ấn Độ tăng cường hợp tác. |
Thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ có thể xem là nằm trong chiến lược hướng tới châu Á của Nga. Tăng cường hợp tác với Ấn Độ sẽ giúp Nga đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế trước sức ép cô lập từ phương Tây. Ở một khía cạnh khác, dễ dàng nhận ra rằng Ấn Độ đang thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng độc lập và tự chủ hơn với mục tiêu là thực hiện chiến lược cân bằng với các nước lớn. Vì vậy, bên cạnh việc kết thân với Mỹ hay Nhật Bản, Ấn Độ cũng không muốn làm mất lòng Nga. Đó là những lý do mà Ấn Độ nhận thấy cần có sự hợp tác cũng như thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ với Nga.
Hợp đồng “khủng”
20 hợp đồng và thỏa thuận “khủng” về vũ trụ, quốc phòng, năng lượng với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là kết quả rõ ràng nhất từ chuyến thăm Ấn Độ mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Với mục đích tìm kiếm thêm nguồn đầu tư nước ngoài trong thời điểm nhạy cảm - Nga đang đối diện với giá dầu lao dốc, đồng Rup mất giá, các tác động từ lệnh trừng phạt kinh tế phương Tây đang gây ảnh hưởng nặng nề, thì chuyến công du của ông Putin có thể coi như đã thành công. Rộng hơn, kết quả đó cũng tăng cường củng cố liên kết với châu Á, được cho là một trong những chính sách đối ngoại nổi bật mà chính quyền của Tổng thống Putin đang hướng tới. Tổng thống Putin tái khẳng định lợi ích của Nga tại Ấn Độ - một đồng minh quan trọng trong khu vực, và là đối tác trong BRICS. Ông Putin khẳng định, "Ấn Độ là một trong những nền kinh tế hàng đầu của châu Á và khu vực này đang phát triển nhộn nhịp và bền vững. Nga muốn củng cố hợp tác với quốc gia này và trở thành nhà cung cấp năng lượng số một của Ấn Độ, cũng như châu Á.".
Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Putin nhấn mạnh, nước Nga không bao giờ tự cô lập mình, các mối quan hệ với châu Á đang được mở rộng và ngày càng cho kết quả tích cực. Trong khi đó, ông cũng chê trách châu Âu đang ngày càng tăng trưởng chậm, nhiều rủi ro về kinh tế, chính trị. Và người châu Âu đang để quá nhiều yếu tố chính trị đan xen vào các hợp đồng kinh tế sòng phẳng.
Trên thực tế, Trung Quốc là địa chỉ đầu tiên mà Nga hướng tới khi tìm kiếm những khoản đầu tư nhằm bảo vệ sức khỏe cho nền kinh tế. Nhưng một mình Trung Quốc là chưa đủ, sự hợp tác tiếp theo mà Nga hướng tới nền kinh tế Ấn Độ. Quốc gia này có một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, có dự trữ ngoại tệ lớn, và tương tự như Trung Quốc, Nga có nhiều mặt hàng mà Ấn Độ thèm muốn, đặc biệt về năng lượng và quân sự.
Trung Quốc, Ấn Độ mang lại cho Nga những giải pháp tức thời để Moscow có thể chống lại các biện pháp trừng phạt của EU. Và tiếp theo, hai quốc gia này khi hợp tác chặt chẽ sẽ tạo cho Nga một sự cân bằng tương đương với hai thái cực Đông - Tây trong riêng lĩnh vực kinh tế.
Vì “chúng ta” cần nhau
Ở chiều ngược lại, theo nhận xét của tờ Wall Street Journal, Ấn Độ là một đối tác tự nhiên của Nga. Hai quốc gia từng có quan hệ rất tốt từ trong lịch sử. Tại hội nghị thượng đỉnh gồm các nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) diễn ra hồi tháng Bảy, Thủ tướng Modi nói với ông Putin rằng "mọi người lớn, trẻ nhỏ" ở Ấn Độ đều biết rằng Nga là "người bạn tuyệt vời nhất".
Mặc dù quan hệ với Trung Quốc và Mỹ được tăng cường, nhưng Ấn Độ vẫn cho rằng Nga luôn là đối tác truyền thống và tin cậy của Ấn Độ. Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế Nga dựa nhiều vào xuất khẩu năng lượng, còn Ấn Độ đang thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, việc hợp tác năng lượng Nga - Ấn Độ có ý nghĩa chiến lược và mang lại nhiều lợi ích cho nhau. Ấn Độ kỳ vọng, Nga có thể giúp họ đáp ứng được nhu cầu về năng lượng đang gia tăng nhanh chóng. Moscow đã xây dựng hai lò phản ứng cho một nhà máy điện hạt nhân ở miền nam Ấn Độ, dự kiến sẽ phát điện vào năm sau. Ấn Độ tham vọng tăng sản lượng điện hạt nhân từ mức 5 GW hiện nay lên mức 20 GW vào năm 2020.
Yếu tố trung tâm trong chính sách đối ngoại mới của New Delhi là ngoại giao kinh tế. Hợp tác thương mại giữa Ấn Độ và Nga đến nay vẫn chưa được đẩy mạnh, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD, tương đương một phần trăm tổng giá trị thương mại của mỗi nước. Đầu tư từ Nga vào Ấn Độ luôn dưới một tỷ USD từ năm 2000 đến nay, tương đương 0,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ. Bởi vậy, kinh tế đang bị cho là liên kết yếu nhất trong mối quan hệ Nga -Ấn. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu từ châu Âu vào Nga đạt gần 400 tỷ USD. Thời điểm này sẽ là cơ hội để New Delhi chiếm lĩnh một phần nào đó trong con số này. Hơn nữa, hơn lúc nào, vốn và công nghệ của nước ngoài là thứ mà Ấn Độ đang “khát” để thực hiện thành công cuộc cách mạng đổi mới với “Make in India”, phát triển 100 thành phố thông minh, đường sắt cao tốc và nhiều dự án hạ tầng khác...
Phan Thanh