Nhỏ Bình thường Lớn

Nga - Châu Phi: Tăng tốc

Mưu cầu đóng vai trò hữu hiệu hơn ở Trung Đông và tái xác lập quyền lực của Mátxcơva trong không gian ảnh hưởng của Liên Xô trước đây là những tham vọng cốt yếu trong chuyến công du tới 4 nước châu Phi của Tổng thống Nga Medvedev.
Tổng thống Nigeria Umaru đón Tổng thống Medvedev tại Abuja, ngày 24/6/2009.
Mưu cầu đóng vai trò hữu hiệu hơn ở Trung Đông và tái xác lập quyền lực của Mátxcơva trong không gian ảnh hưởng của Liên Xô trước đây là những tham vọng cốt yếu trong chuyến công du tới 4 nước châu Phi của Tổng thống Nga Medvedev.

Can dự hơn vào Trung Đông

Mặc dù kinh tế là chủ đề không kém phần sống động trong chặng dừng chân hai ngày (từ 23/6) của ông Medvedev tại Ai Cập, nhưng lộ trình hòa bình Trung Đông được xem là chủ đề lấn át hơn cả. Chuyến đi diễn ra vào thời điểm tất cả các giải pháp hòa bình cho Trung Đông gần như bế tắc sau khi ông Netanyahu lên làm Thủ tướng Israel.

Nga - thành viên nhóm Bộ Tứ về Trung Đông cùng với Mỹ, EU và Liên hợp quốc - chọn Ai Cập để tìm cách tăng cường ảnh hưởng ngoại giao của Nga ở Trung Đông. Ai Cập là nhà trung gian hòa giải trong các vấn đề Trung Đông và cũng là nơi Tổng thống Mỹ Obama vừa có bài diễn văn quan trọng về Trung Đông. Quan điểm của Ai Cập trùng hợp với quan điểm của Nga về các vấn đề Trung Đông.

Từ tháng 1/2009, ông Medvedev đã đề xuất tổ chức hội nghị hòa bình Trung Đông ở Mátxcơva vào nửa đầu năm 2009. Đề nghị này được Palestine, các nước Ảrập hoan nghênh, nhưng bị Mỹ,  Israel phản đối. Nhưng Nga vẫn đôn đáo chuẩn bị cho hội nghị này, dự kiến tổ chức vào cuối năm. Phát biểu tại họp báo sau hội đàm với Tổng thống Ai Cập Mubarak, ông Medvedev cho biết: "Nga đang nỗ lực hết sức để nối lại các cuộc hòa đàm ở Trung Đông theo hướng giải pháp 2 nhà nước và dỡ bỏ các khu định cư". Trong chuyến thăm trụ sở Liên đoàn Ảrập, ông Medvedev hoan nghênh đại diện tất cả các nước Ảrập tới Mátxcơva tham dự hội nghị và khẳng định "chấm dứt sự chiếm đóng tại các lãnh thổ Palestine và các vùng đất Ảrập khác là chìa khóa bình ổn Trung Đông".

Hạt nhân, khí đốt,  kim cương và urani

Quan hệ giữa Liên Xô trước đây với châu Phi, nơi được xem là một trong những địa bàn then chốt xung đột Đông Tây, là mối quan hệ dựa trên ý thức hệ. Bởi vậy, cũng dễ lý giải tại sao quan hệ giữa Nga và châu Phi suy giảm nhanh chóng sau khi Liên Xô tan rã.

Dường như ông Medvedev cũng ý thức rõ rằng Nga đang tụt lại phía sau phương Tây và Trung Quốc trong cuộc đua khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào ở châu lục này. Còn giới doanh nhân Nga thì ngày càng nhận thức được "châu Phi là một thị trường mới có tầm quan trọng toàn cầu, sẽ tạo được nhiều cơ hội kinh doanh hơn các châu lục khác trên thế giới", Dmitry Suchkov, thành viên của ngân hàng quốc doanh VEB nhận định. Apollon Davidson, chuyên gia lịch sử hàng đầu của Nga về châu Phi viết: "Nếu người Mỹ hiện hoạt động tích cực trong không gian hậu Xô viết, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ban lãnh đạo Nga cũng muốn chứng tỏ Mátxcơva có thể hoạt động tích cực không chỉ trong không gian này".

Dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân của Ai Cập đang được Nga quan tâm. Tháng 3/2008, trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Mubarak, hai nước đã ký thỏa thuận về việc sử dụng năng lượng nguyên tử dân sự, cho phép các công ty Nga tham gia đấu thầu xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, với tổng chi phí khoảng 1,5-2 tỷ USD và Nga rất có cơ may thắng thầu. Khí đốt, kim cương và urani… cũng là những "mục tiêu" hướng tới trong các điểm dừng chân của ông Medvedev tại Nigeria, Namibia và Angola.

Gazprom, hãng dầu khí khổng lồ của Nga đang muốn kiếm các hợp đồng xây dựng những đường ống dẫn khí mới ở Nigeria. Alrosa, hãng kim cương quốc doanh của Nga đã hoạt động tại Angola trong gần 20 năm, hiện muốn khai thác kim cương và đa dạng hóa sang các loại khoáng sản quý khác…

Tuy nhiên, như trên đã nói, các mối quan hệ kinh tế giữa Nga và châu Phi đã không thực sự mạnh vì các mối quan hệ của Liên Xô với châu Phi trước đây chỉ mang tính chính trị và tư tưởng. Hơn nữa, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc và phương Tây ở châu Phi khiến các doanh nhân Nga gặp không ít khó khăn. Vì thế, quyết định "tăng tốc" của Mátxcơva ở châu Phi là điều dễ hiểu.

Nguyên Vy