Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau. (Ảnh minh họa. Nguồn: Yahoo) |
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: "Chúng tôi chưa ra quyết định về tương lai của việc Mỹ tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở. Chúng tôi đang tích cực xem xét các vấn đề liên quan Hiệp ước này. Việc phía Nga tiếp tục không tuân thủ Hiệp ước nằm trong một số yếu tố mà chúng tôi đang xem xét".
Ông Price nhấn mạnh, trong khi tiến trình xem xét này đang diễn ra, Mỹ kêu gọi Nga có những biện pháp trở lại tuân thủ Hiệp ước.
Mỹ có động thái trên sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/5 đệ trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) dự luật về việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở.
Trước đó, Tổng thống Putin đã chỉ định Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov làm đại diện chính thức của mình khi Quốc hội Liên bang xem xét dự luật này.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước.
Tuy nhiên, cả Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
Tháng 5/2020, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp ước và tiến trình này đã hoàn tất ngày 22/11/2020.
Tháng 1/2021, Moscow cũng thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước, viện dẫn lý do "thiếu tiến bộ" trong việc duy trì Hiệp ước sau khi Mỹ rút khỏi khuôn khổ này.