📞

Thừa Thiên Huế hướng tới trở thành trung tâm du lịch của châu Á

Xuân Hạnh 22:18 | 03/11/2022
Thừa Thiên Huế nỗ lực kết nối với các địa phương Việt Nam và quảng bá du lịch ra quốc tế ngay sau khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát.
Đại nội Huế. (Nguồn: Vnxpress)

Những tiềm năng độc đáo

Thừa Thiên Huế là mảnh đất địa linh nhân kiệt, văn hiến, có bề dày về văn hóa, có chiều sâu về lịch sử. Nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một Kinh đô với những giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá với 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận; gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận ở các cấp; hơn 500 lễ hội; 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô (2019). Trong đó, di sản nghệ thuật Ca Huế đang được tỉnh xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Không chỉ thế, Thừa Thiên Huế là nơi duy nhất hội tụ đầy đủ các dạng địa hình của Việt Nam từ núi cao về biển khơi: rừng núi, vùng đồi, đồng bằng, đầm phá, biển. Thiên nhiên đã ban tặng những di sản thiên nhiên kỳ vĩ và thu hút cho vùng đất này như sông Hương, núi Ngự; hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tổng diện tích trên 22 nghìn ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á; Vườn quốc gia Bạch Mã còn nguyên vẹn; Vịnh Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới…

Đặc biệt, mảnh đất này còn là là thành phố Festival của cả nước, với điểm nhấn là Festival Huế mang tầm vóc quốc gia và thế giới. Theo nhiều tài liệu, Huế chiếm 1.300 trên 1.800 món ăn được thống kê tại Việt Nam.

Sở hữu những tiềm năng độc đáo như vậy nên ngay sau khi mở cửa du lịch trở lại vào tháng 3/2022, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng khởi sắc. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng khách đến Huế ước đạt 1.510.994 lượt, tăng gần 139% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 102.207 lượt, tăng gần 444% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 1.408.787 lượt, tăng gần 130% so với cùng kỳ.

Khách lưu trú ước đạt 879.350 lượt, tăng gần 112% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 74.547 lượt; tăng gần 348% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 3.334 tỷ đồng, tăng 203% so với cùng kỳ.

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chào đón du khách và đoàn khảo sát Thái Lan theo chuyến bay charter đến Thừa Thiên Huế ngày 21/10. (Nguồn: VGP)

Nỗ lực “làm mới” sản phẩm du lịch

Giám đốc Sở Du Lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho hay, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện kế hoạch mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và nội địa, triển khai các hoạt động phục hồi, kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành du lịch đã tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu mang tính đặc trưng, có tính trọng tâm để kích cầu du lịch trong và ngoài nước như: Triển khai định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.

Thừa Thiên Huế cũng tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường: sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái là sản phẩm OCOP.

Đồng thời, tỉnh triển khai hiệu quả và quảng bá các lễ hội, sự kiện cho Festival 4 mùa, góp phần tạo sự thường xuyên, liên tục các sản phẩm của Huế, đặc biệt lưu ý công tác tuyên truyền, quảng bá hợp lý cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu đề xuất khai thác các loại hình dịch vụ du lịch dọc hai bờ sông Hương. Mở cửa Đại Nội về đêm; tăng các sản phẩm, dịch vụ trong các điểm di tích. Đưa vào khai thác phố đêm Hoàng Thành vào tháng 4/2022; sản phẩm Hop On – Hop Off; dịch vụ xe đạp công cộng, xe đạp thông minh (các điểm: Tòa Khâm, Nghênh Lương Đình, Eo Bầu,…). Phát triển tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”. Triển khai các sản phẩm du lịch mới các địa phương như ở khu vực cầu Ngói, Vân Thê; các điểm du lịch suối thác…

Mới đây nhất, nhằm kích cầu, thu hút du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch khai thác thị trường khách Thái Lan đến Thừa Thiên Huế bằng các chuyến bay nguyên chuyến (charter). Những chuyến bay này sẽ nối các trung tâm du lịch của Thái Lan với tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tăng lượng khách du lịch từ các địa phương của Thái Lan đến Huế và ngược lại, tiến đến mở chuyến bay thương mại định kỳ (regular) hàng tuần hoặc hàng tháng và thu hút, trung chuyển khách du lịch nước ngoài qua Thái Lan đến khu vực miền Trung của Việt Nam.

Chung tay xúc tiến du lịch

Hiện Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực xây dựng hình ảnh “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”, khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - thành phố Festival”.

Đứng trước làn sóng du lịch được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ, các ngành chức năng đã và đang đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch xanh với các phương tiện xanh, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái; kết hợp khuyến khích người dân cùng du khách mặc trang phục áo dài truyền thống khi tham quan các điểm di tích; vận động các tiểu thương chợ Đông Ba thể hiện thái độ thân thiện, mến khách, không nói thách giá với du khách, mặc áo dài khi bán hàng…

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1261/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, đến năm 2023, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Để hiện thực hóa tiềm năng du lịch rộng lớn và đạt mục tiêu nói trên, thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai Kế hoạch phát triển du lịch các địa phương tại huyện Phú Lộc và Thị xã Hương Trà; Tổ chức Hội nghị Diễn đàn du lịch Huế năm 2022 với chủ đề Chăm sóc sức khỏe; Triển khai Kế hoạch quảng bá sản phẩm du lịch đăng ký xếp hạng OCOP; Triển khai các nội dung Đề án “Phát triển du lịch nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2030".

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển một số tour, sản phẩm mới như chăm sóc sức khỏe, tâm linh, nhà vườn, đầm phá; riển khai dự án khoa học “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực”; Thực hiện Kế hoạch điều tra nhu cầu của khách du lịch đối với loại loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nhân viên các cơ sở lưu trú du lịch; Triển khai công tác tham gia Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt-Lào diễn ra tại tỉnh Điện Biên…

Với sự đồng thuận của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Thừa Thiên Huế nỗ lực đưa danh thắng, ẩm thực đặc sắc của tỉnh đến gần hơn với du khách Việt Nam và quốc tế và tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.