Tòa nhà chính phủ Nga ở Moscow. (Nguồn: TASS) |
Thông báo của chính phủ Nga nêu rõ: “Đã cập nhật danh sách các quốc gia có những hành động không thân thiện đối với các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Nga ở nước ngoài. Danh sách này bao gồm Hy Lạp, Đan Mạch, Slovenia, Croatia và Slovakia”.
Bản danh sách ghi rõ số lượng cá nhân đang sinh sống trên lãnh thổ Nga mà phái bộ ngoại giao và cơ quan lãnh sự của các quốc gia không thân thiện có thể ký kết hợp đồng lao động.
Theo quy định, Hy Lạp được phép thuê tối đa 34 nhân viên, Đan Mạch 20 người, Slovakia 16 người. Trong khi đó, Slovenia và Croatia sẽ không thể thuê nhân viên làm việc cho các phái bộ ngoại giao và cơ quan lãnh sự của 2 nước này.
Thông báo khẳng định, danh sách các quốc gia không thân thiện nêu trên chưa phải là cuối cùng và có thể tiếp tục được mở rộng.
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông báo bổ sung 39 đại diện các doanh nghiệp quốc phòng và dịch vụ an ninh của Australia vào danh sách cấm nhập cảnh, trong động thái đáp trả một dự luật trừng phạt đối với Mosscow được Canberra thông qua.
Hồi đầu tháng, Australia đã thông qua một điều luật tương tự như Đạo luật Magnitsky của Mỹ cho phép trừng phạt tài chính và cấm nhập cảnh đối với những cá nhân có liên hệ với Điện Kremlin.
Khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố, nước này sẽ bổ sung áp đặt trừng phạt và cấm đi lại đối với 16 cá nhân gồm các bộ trưởng và nhà tài phiệt Nga, nâng tổng số công dân Nga bị Canberra áp đặt trừng phạt lên 843 người. Ngoài ra, Australia còn cấm nhập khẩu vàng từ Nga.
Nga hiện đang đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan xung đột tại Ukraine. Mới nhất, ngày 21/7, gói trừng phạt thứ 7 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga chính thức có hiệu lực, gồm các biện pháp cấm hoạt động mua, nhập khẩu hoặc chuyển giao vàng, trong đó có trang sức.
Trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga được thông qua hồi tháng trước, liên minh này đã cấm nhập khẩu hầu hết dầu mỏ của Nga.