📞

Nga đứng đầu thế giới về giá trị trữ lượng tài nguyên thiên nhiên; thiếu Moscow, EU quá phụ thuộc vào một thứ

Việt An 09:19 | 11/04/2023
Ngày 10/4, WSJ công bố kết quả một cuộc nghiên cứu toàn cầu về giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới.
Giá trị trữ lượng tài nguyên thiên nhiên của Nga ước đạt khoảng 75.000 tỷ USD. (Nguồn: AFP)

Theo nghiên cứu, Nga đứng đầu thế giới về giá trị trữ lượng tài nguyên thiên nhiên. Tất cả các trữ lượng tài nguyên thiên nhiên mà nước này sở hữu ước tính vào khoảng 75.000 tỷ USD.

Xếp thứ hai là Mỹ với nguồn tài nguyên thiên nhiên trị giá 45.000 tỷ USD, tiếp sau đó là Saudi Arabia, với 34.400 tỷ USD.

Vị trí thứ tư thuộc về Canada - 33.200 tỷ USD; thứ 5 là Iran - 27.300 tỷ USD.

Các nước tiếp theo nằm trong danh sách 10 nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất gồm có Trung Quốc - 23.000 tỷ USD; Brazil - 21.800 tỷ USD; Australia - 19.900 tỷ USD; Iraq - 15.900 tỷ USD và Venezuela - 14.300 tỷ USD.

Nghiên cứu cũng cho thấy, hơn một nửa nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới nằm ở 10 quốc gia này. Họ nắm giữ hơn 90% tổng giá trị tài nguyên toàn cầu.

Các chuyên gia lưu ý, những nghiên cứu như vậy giúp hiểu rõ hơn về động lực kinh tế thế giới và góp phần phát triển các chiến lược quản lý tài nguyên ở các quốc gia khác nhau.

Nghiên cứu trên được thực hiện theo từng nước và bao gồm việc định giá các nguồn tài nguyên như dầu, khí đốt, than đá, gỗ, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác.

* Theo hãng tin Reuters (Anh), Liên minh châu Âu (EU) đã không đảm bảo đủ các hợp đồng dài hạn về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế nguồn cung khí đốt đã bị cắt từ Nga.

Hiện các nước EU đang phải đối mặt với khả năng chi phí năng lượng tăng cao hơn vào mùa Đông tới do nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc.

Năm 2022, khối 27 quốc gia thành viên đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tăng cường nhập khẩu LNG từ các nhà cung cấp khác lên 121 triệu tấn, tăng 60% so với năm 2021.

Phần lớn trong số này được EU mua trên thị trường giao ngay, nơi giá LNG cao hơn đáng kể so với chi phí được đàm phán theo các hợp đồng dài hạn.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), giá LNG đã tăng gấp hơn 3 lần vào năm 2022 và khối này đã chi khoảng 190 tỷ USD cho khí đốt siêu lạnh.

Đối tác cấp cao của công ty tư vấn Morten Frisch Consulting Morten Frisch tin rằng, EU nên mua khoảng 70-75% lượng LNG thông qua các hợp đồng mua bán dài hạn (SPA).

Ông Frisch nói: "Châu Âu đã trở nên quá phụ thuộc vào việc mua LNG tại chỗ và ngắn hạn".

(theo WSJ, Reuters)