📞

Nga hiện đại hóa quốc phòng: Một công đôi việc

09:42 | 27/04/2009
Dù phải chống chọi với suy giảm kinh tế, Mátxcơva vẫn lên kế hoạch đầu tư lớn vào sản xuất vũ khí, nhằm tăng cường cho quân đội và xuất khẩu.
Tổng thống Medvedev xem mô hình máy bay ném bom Sukhoi-34 mới của Nga.

Mạnh tay chi tiêu

 

Khi nền kinh tế Nga dự đoán suy giảm 4,5% năm 2009, chính phủ nước này cắt giảm mạnh ngân sách dành cho các bộ, ngành. Ngân sách của Bộ Năng lượng giảm 33%, Bộ Giao thông giảm 30%. Tuy nhiên ,vẫn có một dự án rất lớn mà Tổng thống Dmitri Medvedev sẽ mạnh tay chi tiêu: chuyển ngành quốc phòng cũ kỹ từ thời Liên Xô thành một cường quốc công nghệ quốc phòng hiện đại, và biến nền quốc phòng 1,1 triệu người tinh gọn hơn, tinh nhuệ hơn.

 

Để đạt mục tiêu đó, Tổng thống Medvedev đã tăng chi tiêu quốc phòng của chính phủ trong năm nay lên gần 26% (khoảng 37 tỉ USD), trong đó chi phí cho sản xuất vũ khí chiến lược như hệ thống tên lửa và không quân tăng gần 1,9 tỉ USD. Chỉ mấy ngày trước khi bay tới London dự Thượng đỉnh G20, ông Medvedev đã có mặt tại một căn cứ quân sự gần Mátxcơva, đội mũ phi công quân sự và mặc đồng phục, ngồi trên máy bay ném bom Sukhoi-34, một trong những vũ khí hạng nặng tinh xảo nhất của Nga. Ông nói với các nhà báo rằng đã đến thời điểm hiện đại hóa toàn bộ không lực của Nga song vẫn “có nhiều việc chưa làm được”.

 

Di sản thời Liên Xô

 

Quân đội Nga về cơ bản vẫn kế thừa từ thời Xô viết, khi có hàng triệu Hồng quân hoạt động trải khắp từ Đông Âu cho đến Trung Á. Theo một nhà phân tích quân sự Nga của cơ quan nghiên cứu Stratfor (Mỹ), sau khi Liên Xô tan rã, Nga giảm lượng lớn bộ binh cũng như nhiều ngành quan trọng liên quan đến quốc phòng, từ các nhà máy đóng tàu ở Ukraine cho đến việc làm giàu hạt nhân ở Kazakhstan. Sự thay đổi đột ngột này cũng buộc các kỹ sư lành nghề nhất của Nga ra nước ngoài làm việc với mức lương cao hơn. Các nhà máy quốc phòng trên khắp nước Nga hoạt động ì ạch trong thập niên 1990. Trong khi đó, thanh niên Nga nhập ngũ một cách miễn cưỡng. Các tờ báo gần đây của Nga và các báo cáo của chính phủ đã báo động về tình trạng nghiện rượu, ma túy... của những người lính bất mãn, được huấn luyện sơ sài.

 

Sự hạn chế của cả trang thiết bị và nhân lực phần nào đã bộc lộ trong cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia vào tháng 8/2008. Mặc dù hỏa lực của Nga tốt hơn và quân đội đông hơn, nhưng các cuộc tấn công trên bộ không thành công như mong đợi. Theo Paul Holtom, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga thiếu các thiết bị có thể phát hiện máy bay do thám không người lái của Gruzia do Israel sản xuất. Quả thực, quân lính Nga tấn công mà không có các thiết bị do thám hiện đại hay các thiết bị nhìn trong bóng đêm, như thông tin từ các cuộc điều trần ở Hạ viện Nga hồi tháng 10 năm ngoái.

 

Xuất khẩu vũ khí: Lợi kép 

 

Có một lĩnh vực mà Nga đã không bỏ quên trong nhiều năm qua, đó là xuất khẩu vũ khí. Mátxcơva đã thu về con số kỷ lục 8,3 tỉ USD từ việc bán vũ khí vào năm 2008, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Mátxcơva đặc biệt giỏi trong việc nhắm đến các khách hàng ở các nước đang phát triển. Từ năm 2004-2007, Nga đã bán các thiết bị quân sự trị giá 37,9 tỉ USD – vượt xa cả Mỹ trong thời kỳ đó – tới hơn 80 quốc gia đang phát triển. Các nhà máy sản xuất của Nga được đặt hàng mọi thứ, từ trực thăng, xe tăng cho đến súng trường. Những khách hàng lớn là CHDCND Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Venezuela, những quốc gia đang chịu lệnh cấm mua vũ khí từ các nước phương Tây.

 

Chiến lược của Nga bao gồm hai phần. Nga muốn sử dụng các nguồn lợi khổng lồ từ bán vũ khí để tái đầu tư lực lượng quốc phòng. Nhưng bán vũ khí không chỉ vì tiền. Mátxcơva muốn các quốc gia đó sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí của Nga, từ đó gia tăng mối quan hệ kinh tế và chính trị.

 

Nga đã tạo lập vai trò bằng hai tài sản có giá trị nhất – nguồn năng lượng dồi dào và vũ khí hạng nặng – để tìm kiếm hàng loạt hợp đồng. Chẳng hạn, vào năm 2006, Tổng thống Vladimir Putin đã cử đoàn đại biểu gồm các quan chức quốc phòng, dầu khí cao cấp tới Algeria. Ông Putin đã đàm phán để bán các máy bay chiến đấu, tên lửa và xe tăng trị giá 7,5 tỉ USD, trong khi đó các “đại gia năng lượng” như Gazprom và Lukoil được quyền khai thác dầu khí ở quốc gia Bắc Phi này. Bấy giờ, ông Putin cũng đưa ra một món quà hấp dẫn: Xóa gần 5 tỉ USD mà Algeria còn nợ từ thời Liên Xô. Sau đó, Putin đã đàm phán với Lybia một thỏa thuận bán vũ khí trị giá 2,5 tỉ USD, đồng thời xóa 4 tỉ USD tiền nợ của Lybia từ thời Liên Xô.

 

Nỗi lo tiền và tài năng

 

Để xuất khẩu vũ khí của Nga vẫn tiếp tục phát triển, ngành quốc phòng cần được bổ sung tài chính và nhân lực trình độ cao. Bộ Quốc phòng Nga mua chỉ 15% lượng vũ khí các nhà máy sản xuất, trong khi các khách hàng cũ như Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu có thể tự sản xuất vũ khí trong thập kỷ qua. Nếu không hiện đại hóa các nhà máy sản xuất vũ khí thì Mátxcơva có nguy cơ mất thêm khách hàng.

 

Đó là lý do tại sao trong mấy tháng qua, các quan chức Nga lại kêu gọi đổ nhiều tiền hơn vào ngành công nghiệp quốc phòng. Nhưng tìm đủ tài năng để tham gia vào cuộc đua này cũng là một công việc khó khăn. Các công ty quốc phòng đã không tuyển mộ và đào tạo kỹ sư trong suốt thập niên 1990, để lại một đội ngũ công nhân tuổi đời cao. Kremlin đã có kế hoạch cho về hưu khoảng một nửa trong số 300.000 quan chức quốc phòng cao tuổi trong 3-6 năm tới và đào tạo hàng trăm ngàn nhân lực chuyên nghiệp mới cho ngành quốc phòng. Nhưng việc tuyển mộ cũng không mấy dễ dàng khi những thanh niên tốt nghiệp phổ thông trung học ngày nay được sinh ra khi tỉ lệ sinh của Nga ở mức thấp trong suốt thập niên 1990, và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh Chechnya thảm khốc.

 

Mai Thảo(theo Time)