Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết văn bản sau hội đàm ngày 21/3 tại Moscow. (Nguồn: Getty Images) |
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga đã khiến Moscow muốn có các đồng minh. Trên trang Forbes, ông Ariel Cohen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận thấy, trong khi “các đối tượng thông thường” như Belarus, Eritrea, Nicaragua... thể hiện sự ủng hộ, thì Nga lại bị cô lập về mặt ngoại giao.
Ngay cả Trung Quốc - "liều thuốc" được cho là chữa bách bệnh đối với các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga - vẫn cố tình xa cách.
Nga cần Trung Quốc hơn
Nền kinh tế Nga phụ thuộc vào năng lượng và đất nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài cách càng hướng về Trung Quốc. Đây là sự tăng tốc của các quá trình do Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước.
"Tuy nhiên, Nga cần Trung Quốc hơn nhiều so với Trung Quốc cần Nga", ông Ariel Cohen nói.
Một Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, doanh số bán khí đốt của Nga đã giảm một nửa so với trước chiến dịch quân sự.
Trong chuyến thăm Moscow hồi tháng 3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng khi nói rằng: “Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Moscow để thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ hơn trong hợp tác năng lượng”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Ariel Cohen nhận thấy, Trung Quốc rõ ràng đang quan tâm đến lợi ích của chính mình và đang tận hưởng "thời gian ngọt ngào".
Ông dẫn chứng: "Chưa có hiệp định mới về khí đốt nào được ký kết. Trong khi đó, về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra kế hoạch về một đường ống dẫn khí đốt từ Siberia đến Trung Quốc trước cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời tuyên bố rằng thỏa thuận chỉ cần hoàn tất. Và Bắc Kinh vẫn chưa có phản hồi".
Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Tổng thống Putin đã đánh mất thị trường khí đốt tự nhiên khổng lồ - châu Âu - vì chiến dịch quân sự.
Doanh thu từ việc bán 150 tỷ m³ khí đốt cho khu vực châu Âu rộng lớn là huyết mạch của kinh tế Nga. Và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó lòng thay thế khu vực này.
Nga chỉ là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ năm của Trung Quốc, với tác động của vấn đề này đối với việc thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc là không đáng kể. Moscow chỉ đóng góp 6% lượng khí đốt nhập khẩu của Bắc Kinh.
Trong khi đó, đối tác số một của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Australia, chiếm tới 40%.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã dứt khoát "ly hôn" khí đốt Nga trong năm 2022. Mới đây nhất, khối 27 thành viên lại tiếp tục "giáng đòn" vào dầu mỏ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga cung cấp 1/6 lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của đất nước tỷ dân.
Nhưng Trung Quốc có quá nhiều nguồn dầu khác và phụ thuộc vào danh mục nhiên liệu hóa thạch quá đa dạng. Nước này có khoảng 5 nghìn tỷ m³ khí đốt tự nhiên và 16-33 tỷ thùng dầu. Nguồn dự trữ nội địa này kết hợp với nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong đàm phán nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đảm bảo rằng, đất nước này không lo thiếu năng lượng.
Kinh tế Nga trì trệ
Xuất khẩu khí đốt không phải là "liều thuốc" chữa bách bệnh cho kinh tế Nga.
Theo ông Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của Economist Intelligence: “Gần như tất cả các đường ống dẫn khí đốt của Nga đều hướng đến châu Âu và việc xây dựng những đường ống mới rất tốn kém, đòi hỏi công nghệ tiên tiến, thời gian và tiền bạc”.
Vào thời điểm mà Nga cần khách hàng thay thế châu Âu, Trung Quốc cũng chưa thể ngay lập tức "dang tay" hỗ trợ.
Nhưng quốc gia này đã tăng cường mua dầu từ Nga. Bắc Kinh đã tăng gấp đôi lượng mua dầu từ Moscow vào tháng 10/2022 lên 10,2 tỷ USD. Các nhà máy lọc dầu của nền kinh tế lớn thư hai thế giới tận dụng các khoản chiết khấu do Nga đưa ra.
Mặc dù việc thúc đẩy xuất khẩu dầu không phải là khó khăn đối với Nga, nhưng điều này đã không cứu được Nga khỏi tình trạng thâm hụt ngày càng tăng và nền kinh tế trì trệ.
Mới đây, các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+), trong đó có Nga, tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu trong năm nay.
Nhà nghiên cứu Ariel Cohen nhận định, điều này có thể làm suy yếu nền kinh tế của chính đất nước này, khi giá dầu tăng trở thành một áp lực lạm phát khác trong nền kinh tế toàn cầu - vấn đề vốn đã quá nóng.
Trung Quốc là "người chiến thắng"?
Sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc không chỉ dừng lại ở năng lượng và hàng nhập khẩu. Đất nước của Tổng thống Putin cũng đang ngày càng trông cậy vào Nhân dân tệ.
Khi chiến dịch quân sự bắt đầu, ông Putin ban đầu đã cố gắng chuyển giao dịch năng lượng với phương Tây sang đồng Ruble.
Tuy nhiên, gần đây, Tổng thống Nga tuyên bố, đất nước sẽ chuyển đổi sang đồng Nhân dân tệ để giao dịch với Trung Quốc và các nước khác. Gazprom - "gã khổng lồ" khí đốt Nga cũng đã chuyển sang xuất khẩu khí đốt cho Trung Quốc bằng đồng Ruble và Nhân dân tệ, thay vì USD. Cùng với đó, một số công ty nhập khẩu ở châu Âu cũng đang thanh toán bằng đồng Ruble.
Các khoản thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ cho hàng xuất khẩu của Nga đã tăng lên, từ 0,5% vào năm 2021 lên 16% vào đầu năm 2023. Điều này khiến Nga trở thành quốc gia phụ thuộc nhiều thứ hai vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, sau Triều Tiên.
Theo số liệu tổng hợp của Bloomberg từ báo cáo hàng ngày trên Sàn giao dịch Moscow, lần đầu tiên trong tháng 2/2023, khối lượng giao dịch đồng Nhân dân tệ trong nền kinh tế Nga đã vượt qua USD.
Dữ liệu từ hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT cũng cho thấy, trong tháng 2/2023, Nga là nền kinh tế có khối lượng giao dịch Nhân dân tệ lớn thứ 4 trên thế giới. Con số này thậm chí sẽ tiếp tục tăng trong tháng 3.
Ông Ariel Cohen nhấn mạnh: "Đây là một chiến thắng cho Trung Quốc nhưng lại khiến Nga vô cùng dễ bị tổn thương. Với việc đồng Nhân dân tệ được kiểm soát chặt chẽ, Bắc Kinh có thể tăng đòn bẩy với Moscow bất cứ khi nào họ muốn".