📞

Nga khóa van khí đốt, người Đức 'đỏ mắt' tìm hàng giá rẻ, mùa Đông lạnh giá khắc nghiệt tới mức nào?

Hải An 13:29 | 26/09/2022
Việc Nga ngừng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 khiến giá khí đốt tại Đức tăng cao, người dân không chỉ sốc với hóa đơn năng lượng. Hậu quả của xung đột tại Ukraine đang thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người.
Không ít người dân Đức bị sốc khi nhận được thông báo tăng giá khí đốt từ nhà cung cấp.

Tuần trước, một gia đình ở bang Brandenburg, gần thủ đô Berlin của Đức đã kể câu chuyện của họ trên chương trình phát thanh công cộng RBB.

Gia đình này cho biết, họ đã bị sốc khi nhận được một lá thư từ nhà cung cấp khí đốt địa phương thông báo về đợt tăng giá sắp tới và yêu cầu họ thanh toán hóa đơn khí đốt trị giá 1.515 Euro (1.477 USD) thay vì 143 Euro mỗi tháng cho khí đốt tự nhiên để sưởi ấm căn nhà.

Theo thông lệ ở Đức, các hộ gia đình trả trước hằng tháng cho hóa đơn khí đốt và điện. Sau đó, khi nhận được bảng sao kê mỗi tháng, họ đối chiếu số tiền trả trước với chi phí dựa trên mức sử dụng thực tế và thanh toán hóa đơn thực vào mỗi cuối năm.

Đại diện gia đình từ Brandenburg trên cho biết trên chương trình radio rằng, việc giá khí đốt tăng gấp 10 lần là điều không thể tưởng tượng được.

Công ty khí đốt được đề cập trong câu chuyện này là một doanh nghiệp khá nhỏ, chỉ cung cấp nhiên liệu cho khoảng 20.000 hộ gia đình và lâu nay vẫn chiêu dụ khách hàng bằng hàng giá rẻ.

Hiện nay, trong bối cảnh nguồn cung đang gặp khó khăn, phương thức bán hàng này bị ảnh hưởng nặng nề. Việc thiếu hụt khí đốt từ Nga đang buộc các nhà cung cấp Đức phải mua hàng ở nơi khác với giá cao hơn, phá hủy mô hình kinh doanh lâu nay.

Những câu chuyện tương tự gia đình ở Brandenburg đang trở nên phổ biến hơn khi thời tiết đang lạnh hơn ở Đức và người dân bắt đầu có nhu cầu sử dụng nhiên liệu để sưởi ấm.

Nhiều nhà cung cấp khí đốt và điện cũng đã bắt đầu gửi thông báo về mức tiền các gia đình thanh toán tạm ứng hằng tháng với con số tăng ít nhất ba lần so với thông lệ.

Theo các cuộc khảo sát mới nhất, 40% người dân ở Đức cho biết ​​sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn năng lượng vào mùa Đông tới. Hiện, một nửa số hộ gia đình ở quốc gia Tây Âu sử dụng khí đốt tự nhiên để sưởi ấm.

Không có khí đốt giá rẻ ở bất cứ đâu

Các trung tâm hỗ trợ người tiêu dùng khuyên khách hàng như gia đình từ Brandenburg nên tìm nhà cung cấp rẻ hơn. Nhưng điều này không khả thi khi thực sự không còn khí đốt giá rẻ ở bất cứ đâu tại Đức.

Người dân thường mua khí đốt từ những "nhà cung cấp tiện ích cơ bản" (nhà cung cấp lớn nhất trong một khu vực nhất định).

Ví dụ, ở Berlin, GASAG là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính và lớn nhất cả nước. Theo công ty này, họ có hệ thống khoảng 800.000 khách hàng ở thủ đô nước Đức.

Đối với các nhà cung cấp tiện ích cơ bản, rất khó để từ chối khách hàng mới và họ chỉ có thể làm như vậy khi bản thân đang gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế. Kể từ ngày 1/11, các nhà cung cấp tiện ích cơ bản như GASAG sẽ không còn được phép tính các mức giá khác nhau cho khách hàng cũ và mới.

Tuy nhiên, các công ty tiện ích nhỏ hơn sẽ giữ được tính linh hoạt của họ.

GASAG cũng đã tăng mạnh giá khí đốt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Ban đầu, công ty tăng mức tạm ứng trước cho khí đốt hằng tháng lên khoảng 50% và đến tháng 11, đơn vị này sẽ tăng gấp đôi. Mặc dù vậy, GASAG cho biết hiện vẫn chưa loại trừ khả năng tiếp tục tăng giá.

Georg Friedrichs, người đứng đầu công ty, nói với tờ Tagesspiegel của Berlin trong một cuộc phỏng vấn: “Không ai phải chịu đựng giá rét, cho dù trời có lạnh đến đâu”.

Tuy nhiên, ông từ chối việc đưa ra dự đoán về mức độ và tốc độ tăng giá khí đốt có thể diễn ra trong tương lai.

Tìm tới LNG

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cảnh báo về thời kỳ khó khăn phía trước: "Chúng tôi giả định rằng trong tương lai gần - vào năm 2023 - giá cả hàng hóa sẽ trở về mức bình thường. Tất nhiên, không phải trở lại mức cũ, mà là ở đâu đó xung quanh mức giá thị trường thế giới đối với khí lỏng”.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner (trái) và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck từng cảnh báo về khủng hoảng khí đốt tại quốc gia Tây Âu.

Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện đang ngày càng được nhiều quốc gia, trong đó có Đức, mua để thay thế khí đốt giá rẻ của Nga.

Tuần qua, phát biểu tại một sự kiện công nghiệp ở Berlin, ông Lindner thừa nhận, giá khí đốt sẽ vẫn là một "thách thức".

Quan chức này cho biết, Berllin hiện đang phải đối mặt với nhiệm vụ "xây dựng một cây cầu, hướng tới một tiêu chuẩn mới về việc tăng giá năng lượng".

Nói cách khác, mọi người sẽ phải quen với thực tế là năng lượng sẽ vẫn đắt đỏ trong dài hạn.

Phụ phí khí đốt gây tranh cãi

Một nguyên nhân khác khiến giá khí đốt dự kiến tiếp tục tăng là chính phủ Đức sẽ áp dụng mức thuế mới từ ngày 1/10. Mức thuế này được đặt ở mốc 2,419 Euro/Kilowatt giờ.

Theo đó, tất cả các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng khí đốt đều phải nộp khoản thuế trên để hỗ trợ các nhà cung cấp năng lượng đang gặp khó khăn. Các nhà kinh tế ước tính, khoản thuế này sẽ khiến trung bình một hộ gia đình mất thêm 600 Euro mỗi năm.

Tuy nhiên, mức thuế có thể được tăng lên nếu giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng.

Hiện nay, khoảng 11% sản lượng điện của Đức hiện vẫn được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên, vì vậy, nhiều nhà kinh tế cũng nhận định, giá điện cũng sẽ tăng theo rõ rệt.

Do đó, hậu quả của chiến dịch của Nga vào Ukraine, việc Moscow dừng vô thời hạn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí đốt tớii Đức đã, đang và sẽ thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của từng người dân quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này trong những tháng tới.

Chính vì vậy, cách hiệu quả nhất để giảm hóa đơn năng lượng là tiết kiệm ở bất cứ đâu có thể.

Tổ chức tư vấn người tiêu dùng Stiftung Warentest tính toán rằng, một gia đình ba người có thể tiết kiệm khoảng 970 Euro một năm cho giá điện và khí đốt chỉ với một số biện pháp, chẳng hạn như sử dụng ít nước nóng hơn, tắm ít hơn, để nhiệt độ nước thấp hơn hay lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, việc hạ nhiệt độ phòng trung bình xuống 20 độ C (68 độ F) cũng tạo ra sự khác biệt rõ rệt. Và bất cứ khi nào có thể, đồ giặt nên được phơi ra ngoài thay vì cho vào máy sấy quần áo vốn ngốn điện.

Giải pháp giới hạn giá

Tuy nhiên, các hộ gia đình có thu nhập thấp phải đối phó với giá năng lượng tăng cao như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) hiện đã đề xuất một mô hình giới hạn giá khí đốt cho 3/4 mức tiêu thụ năng lượng của các hộ gia đình.

Chính trị gia Alexander Dobrindt của CSU nói với tờ Augsburger Allgemeine: “Đối với các hộ gia đình, có thể giới hạn 75% lượng khí đốt mua hiện tại của họ ở mức giá cơ bản dành cho người dân. Vượt quá lượng khí đốt được giới hạn này, họ sẽ phải trả giá cao”.

Mặc dù vậy, những người chỉ trích đề xuất trên đã chỉ ra rằng, điều này sẽ kéo theo các khoản trợ cấp, gây ra căng thẳng lớn cho hệ thống tài chính công, khiến chính phủ một lần nữa phải gánh khoản nợ lớn.

(theo DW)