Gần 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã bị đóng băng kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. (Nguồn: Ukrinform) |
Tổng thống Putin nói: “Tôi biết dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đang bị đóng băng. Moscow đã kiếm được gấp đôi số tiền đó".
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các đồng minh đã đóng băng tài sản trị giá hàng trăm tỷ USD của Ngân hàng trung ương Nga - một phần của lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraine.
Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo rằng, việc tịch thu tài sản của Moscow sẽ gây nguy hiểm cho niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng EU và làm tổn hại đến vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Liên minh châu Âu.
Gần 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã bị đóng băng kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo ước tính chính thức, dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga giảm 8,4% vào năm 2022.
Vào tháng 3 năm nay, ngân hàng trên tiếp tục công bố dữ liệu về cơ cấu dự trữ nhà nước. Tính đến tháng 8, quỹ vàng và ngoại hối của nước này đạt hơn 580 tỷ USD.
* Theo dự báo kinh tế vĩ mô của Bộ Kinh tế Nga, lạm phát tăng và đồng Ruble yếu có thể khiến Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất và kiểm soát chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn để ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài.
Cụ thể, Bộ trên đã nâng dự báo lạm phát năm 2023 lên 7,5% từ mức 5,3% được công bố vào tháng 4/2023, đồng thời cũng nâng dự báo lạm phát năm 2024 lên 4,5% từ mức 4,0%, theo dự thảo Bộ trình lên chính phủ.
"Đồng Ruble sẽ sụt giảm", Bộ Kinh tế Nga cho hay.
Sau khi đồng tiền này giảm xuống dưới 100 Ruble đổi 1 USD vào tháng 8/2023, Ngân hàng trung ương Nga đã liên tiếp tăng lãi suất với mức tăng tổng cộng 350 điểm cơ bản lên 12% trong cuộc họp ngày 15/8. Đồng Ruble được giao dịch khoảng 95 Ruble/USD trong ngày 12/9.