Ngân hàng Nga vừa thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 2%, lên mức 15%/năm. |
Cần lưu ý rằng áp lực lạm phát trong nền kinh tế đã cao hơn mức dự kiến của Ngân hàng Trung ương Nga.
Trước đó, Phó chủ tịch thứ nhất hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) Dmitry Pyanov nhắc lại dự báo lạm phát của Ngân hàng Trung ương cho năm 2023 là 6-7%, trong khi các số liệu hiện nay cho thấy lạm phát thực tế đã cao hơn mức này.
Ngay lập tức sau quyết định trên, đồng Ruble Nga đã tăng giá trong các giao dịch tại Sở giao dịch Moscow. Tính đến 13 giờ 30 phút (theo giờ Moscow, tức 17 giờ 30 phút theo giờ Hà Nội), đồng USD đã giảm 1,13%, xuống mức 92,9 Ruble đổi 1 USD, trong khi đồng Euro được giao dịch ở mức 98,19 Ruble đổi 1 Euro, (giảm 1,41%), đồng NDT ở mức 12,653 Ruble đổi 1 NDT (giảm 0,98%).
Trước khi công bố quyết định trên, vào thời điểm 13 giờ 25 phút, đồng USD đã giảm 0,67%, xuống mức 93,32 Ruble/USD, đồng Euro giảm 1%, xuống 98,59 Ruble/Euro và đồng NDT ở mức 12,716 Ruble/NDT (giảm 0,49%).
Trong khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP của Nga giảm xuống dưới 15% vào quý II/2023. Số nợ bình quân đầu người giảm xuống còn 2.300 USD, mức thấp nhất kể từ năm 2006.
Tính đến cuối quý II năm nay, nợ nước ngoài của Nga ở mức 343,4 tỷ USD (khoảng 29.900 tỷ Ruble) hay 14,96% GDP của LB Nga.
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa ra các con số trên dựa trên số liệu của BR trong quý II. Nhưng sang quý III nợ nước ngoài của Nga đã giảm thêm 4%, xuống còn 329,5 tỷ USD.
Tính từ đầu năm, tỷ lệ nợ trên GDP của Nga giảm xuống mức 14,1%.
Ngân hàng trung ương Nga trước đó đã giải thích việc giảm nợ nước ngoài là do “giảm nợ USD phải trả tương đương do đồng tiền quốc gia suy yếu so với USD, cũng như sự sụt giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu có chủ quyền của Nga của người nước ngoài, kể cả việc trả nợ theo kế hoạch của họ”.
Nợ nước ngoài của Nga đã giảm trong vài năm qua, với các tỷ lệ lần lượt là: năm 2020: 31% GDP, năm 2021: 26,2% GDP, năm 2022:16,6% GDP.