Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu vẫn tìm kiếm - "con đường độc lập" khỏi USD. (Nguồn: The Columnist) |
Đó là những thông tin mới nhất về kế hoạch của Nga nhằm thoát ra khỏi những khó khăn về kinh tế do hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây giáng xuống nền kinh tế.
Nội tệ của Trung Quốc đang dần thay thế USD tại Nga, giúp doanh nghiệp hai nước vừa hưởng lợi, lại vừa giúp Moscow giảm nhẹ tác động từ lệnh trừng phạt. Trên thực tế, dù NDT đã dần phổ biến trong kinh tế Nga vài năm gần đây, nhưng tốc độ đã được đẩy rất nhanh chỉ trong 9 tháng qua, theo số liệu và khảo sát của Reuters.
Việc Nga chuyển hướng tài chính sang phía Đông có thể tăng thương mại xuyên biên giới, từ đó tạo ra đối trọng kinh tế với đồng USD và hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Các gói trừng phạt liên hoàn của phương Tây đối với Moscow đã khiến các ngân hàng và nhiều doanh nghiệp Nga bị chặn tiếp cận và sử dụng hệ thống thanh toán bằng USD và Euro. Nhưng "tác dụng phụ" là nâng cao vai trò của đồng nội tệ Trung Quốc trong nền kinh tế Nga. Vị thế đồng NDT vì thế mà được thăng hạng nhanh chóng.
Theo dữ liệu của Refinitiv, khối lượng giao dịch NDT-Ruble hằng ngày trên Sàn giao dịch Moscow hiện đã vượt quá giao dịch USD-Ruble. Đây được cho là một xu hướng sẽ nổi bật vào năm 2023, khi lệnh cấm vận dầu mỏ và giá trần siết chặt thêm các tuyến xuất khẩu truyền thống của Nga.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 28/12: Giá vàng vượt ngưỡng 1.800 USD, nghịch lý Fed càng nỗ lực, lạm phát càng 'phi nhanh', Trung Quốc góp sức đẩy giá |
Nga đã ngừng can thiệp vào thị trường ngoại hối từ tháng 2 do những hạn chế đối với việc sử dụng dự trữ ngoại hối, kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhưng các động thái can thiệp sẽ tiếp tục được thực hiện vào năm tới qua đồng NDT, với điều kiện doanh thu từ xuất khẩu dầu khí vượt qua 8 nghìn tỷ Ruble - như đã đề ra trong kế hoạch ngân sách, theo Reuters.
Đề cập động thái trên, một nguồn tin của Reuters cho biết, “Ngân hàng Trung ương có thể mua NDT ngay bây giờ”. Nhưng ngân hàng sẽ không làm như vậy, khi chính phủ Nga vẫn phải chi tiêu nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt như hiện nay. (Tuy nhiên), nếu năm tới, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu khí vượt quá 8 nghìn tỷ Ruble, thì Ngân hàng Trung ương Nga sẽ mua NDT".
Theo quy tắc ngân sách, được thiết kế để bổ sung cho dự trữ nhà nước, doanh thu từ dầu khí trên một con số quy định sẽ được chuyển đến Quỹ Tài sản quốc gia (NWF), mà Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, điều đó tương đương với giá dầu trong khoảng 62-63 USD/thùng.
Ngân hàng Trung ương và Bộ tài chính Nga hiện không trả lời các yêu cầu bình luận. Nga trong nhiều năm đã áp dụng các chính sách tài khóa thận trọng và tìm cách duy trì thặng dư ngân sách. Tuy nhiên, năm 2022, kinh tế Nga chắc chắn sẽ thâm hụt khoảng 2%GDP, khi Moscow tăng cường chi tiêu để tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bộ trưởng Siluanov dự kiến sẽ có thêm 900 tỷ Ruble doanh thu từ sản phẩm hydrocarbon vào năm tới, mặc dù các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về tác động của các đòn trừng phạt và hạn chế xuất khẩu dầu khí.
Một nguồn tin cấp cao của chính phủ Nga đã xác nhận, các biện pháp can thiệp ngoại hối vào năm tới của Nga sẽ bằng đồng NDT.
"Chúng tôi có rất nhiều đồng tiền thân thiện. Trên sàn giao dịch, NDT của Trung Quốc là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, nó là đồng tiền thân thiện nhất cho đến nay", nguồn tin cho biết.
Nga coi các quốc gia không tham gia vào lệnh trừng phạt của phương Tây là "thân thiện".
Nguồn tin từ ngân hàng cho biết, hoạt động của Ngân hàng Trung ương bằng NDT sẽ được bảo vệ khỏi các biện pháp trừng phạt và đóng băng. Trước đó, từ khi nổ ra cuộc xung đột với Ukraine, tài sản của chính phủ Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD đã bị Mỹ và phương Tây đóng băng.
Nguồn tin chính phủ Nga cho biết, cần có quyết định về các biện pháp can thiệp trong khuôn khổ quy tắc ngân sách, để bắt đầu tích lũy dự trữ và kế hoạch sẽ được công bố ngay sau khi các nhà chức trách thông qua.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina tuần trước cho biết, Nga hiện có đủ tiền bằng NDT và vàng. Theo dữ liệu mới nhất, đầu năm 2022, NDT chỉ chiếm khoảng 17,1% dự trữ ngoại hối và vàng của Nga. Nhưng tuần trước, MOEX Group cho biết, NDT đã tăng tốc đáng kể vào các thị trường và dòng chảy thương mại của Nga, với thị phần trên thị trường tiền tệ hiện đạt tới 48%, trong tháng 11.
Sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Nga - Moscow Exchange cũng lên kế hoạch mở rộng phạm vi các công cụ bằng NDT mà họ cung cấp vào năm tới. Đây là những thay đổi lớn, mà theo nhận định của người đứng đầu sàn giao dịch Yuri Denisov, sẽ cho phép các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro tiền tệ và tăng tính thanh khoản cho NDT.
Theo thống kê, ngày càng nhiều người Nga mở tài khoản bằng NDT và giao dịch trực tiếp bằng đồng tiền của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp lớn tại Nga đã gia nhập làn sóng này.
Tính toán của Reuters cho thấy, 7 "gã khổng lồ" của Nga, gồm cả Rusal, Rosneft và Polyus, đã huy động tổng cộng 42 tỷ NDT bằng trái phiếu trên thị trường Nga. Danh sách này có thể dài thêm khi "đại gia" ngân hàng Sberbank và hãng dầu Gazpromneft thông báo có thể vay nợ bằng đồng tiền này.
Diễn biến trên có vẻ "giống" mục tiêu lâu dài mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu vẫn tìm kiếm - "con đường độc lập" khỏi USD. Chỉ là biến động địa chính trị năm 2022 đã đẩy quá trình này lên quá nhanh.
Giá vàng hôm nay 28/12: Giá vàng vượt ngưỡng 1.800 USD, nghịch lý Fed càng nỗ lực, lạm phát càng 'phi nhanh', Trung Quốc góp sức đẩy giá Giá vàng hôm nay 28/12 ổn định trên ngưỡng tâm lý quan trọng, khi lòng tin vào các tài sản rủi ro cải thiện, trong ... |
| Giá vàng hôm nay 26/12 ở vùng tương đối trung lập, trước ngưỡng cửa cuối cùng bước sang năm mới 2023. Những "cơn gió ngược ... |
| Giá cà phê trên cả hai sàn đều có xu hướng tăng giá, với những lo ngại về thâm hụt nguồn cung. Tuy nhiên, với ... |
| Các nhà phân tích tin rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực đáng tin cậy và quan trọng của tăng trưởng kinh tế ... |
| Kinh tế thế giới năm 2023 còn tệ hơn? Trong một kịch bản cực đoan, nếu tất cả các yếu tố bất lợi xảy ra cùng lúc, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ ... |